Đối diện áp lực, doanh nghiệp bất động sản thành lập mới sụt giảm

15:35' - 31/07/2023
BNEWS Bất động sản dẫn đầu về sự tụt giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, trong 7 tháng qua, bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm tới 56,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có 89.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 834.300 tỷ đồng. Mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,2% nhưng lại sụt giảm tới 17,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lĩnh vực bất động sản dẫn đầu về sự tụt giảm số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, trong 7 tháng qua, bất động sản có 2.622 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tới giảm 56,2% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản giải thể trong 7 tháng qua là 756 doanh nghiệp, cũng tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia nhận định, số liệu này phản ánh đúng tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay. Thời kỳ đỉnh cao của doanh nghiệp bất động sản đã qua nên số lượng thành lập mới đang tụt giảm mạnh. Thậm chí, tiếp đà khó khăn này thì số doanh nghiệp phải “bỏ cuộc chơi” trong thời gian tới cũng sẽ gia tăng.

Kết thúc quý II/2023, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cũng cho biết, nhiều các doanh nghiệp bất động sản phản ánh gặp khó khăn, thách thức trong hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý; trong đó, phần lớn doanh nghiệp phải tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động...

 

Dữ liệu khảo sát của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) với các hội viên là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản cũng cho thấy nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III/2023 và chỉ khoảng 43% trụ được đến hết năm 2023.

Nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường bất động sản sẽ phải đón nhận hiện tượng "ra đi" của hàng loạt đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản và cả môi giới.

Chủ tịch VARs Nguyễn Văn Đính phân tích, kể từ giữa tháng 5/2022 đến nay, thị trường bất động sản vẫn khó khăn do chịu ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khách quan như dịch bệnh và chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm...

Cùng đó là nguyên nhân chủ quan do hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp... cũng như vướng mắc về pháp lý trong quá trình triển khai dự án chưa được tháo gỡ một cách triệt để.

Những yếu tố này khiến thị trường bất động sản rơi vào trạng thái trầm lắng. Lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022 và đã giảm nhẹ từ đầu đầu năm đến nay nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp, ông Đính phân tích.

Áp lực chi phí tài chính tăng cao trong khi dòng tiền “khan hiếm" vì không bán được hàng, không huy động được vốn từ trái phiếu, không đủ tiêu chuẩn vay vốn tín dụng... khiến sức khỏe doanh nghiệp bất động sản ngày càng suy yếu. Tình trạng khó khăn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới các đối tượng tham gia thị trường bất động sản mà còn kéo theo sự trì trệ của hàng loạt ngành nghề liên quan khác.

Mới đây, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận số lượng nhân sự tại thời điểm ngày 30/6 là 2.390 người, gần như không thay đổi với thời điểm cuối quý I/2023 nhưng giảm 1.383 người so với thời điểm cuối năm 2022. Tính riêng 2 quý vừa qua, Tập đoàn này có doanh thu thuần giảm tới 67%, đạt mức 1.091 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ. Đây cũng là tình trạng mà nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải.

Đánh giá về thị trường, ông Nguyễn Vũ - Giám đốc Trung tâm Bất động sản Căn nhà Mới kỳ vọng, khoảng cuối quý IV giao dịch trên thị trường sẽ tốt lên hoặc muộn hơn là quý II/2024. Khi đó, các chính sách Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản đã “thẩm thấu” và tác động nhanh đến các đối tượng trên thị trường. Bởi vậy, 2 quý cuối của năm 2023 thị trường bất động sản vẫn sẽ rất khó khăn.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Phúc Hưng - ông Nguyễn Duy Thanh cũng cho rằng, thị trường đã nhen nhóm một số tín hiệu tích cực từ chính sách quản lý. Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án luật liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay như Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai…; đồng thời, tiếp tục chủ trương hạ lãi suất cho vay, nới room tín dụng lên 14% cho toàn hệ thống.

Tuy nhiên, nếu nói thị trường bất động sản đã vượt qua khó khăn thì vẫn quá sớm. Bởi hiện tâm lý người mua nhà vẫn đang là trở ngại lớn với việc phục hồi giao dịch nhà đất dù cho tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn so với giai đoạn cuối năm 2022 nhưng vẫn chưa đủ để tạo bức phá trong giao dịch. Bên cạnh đó, rào cản pháp lý chưa thực sự khơi thông nên nguồn cung dự án ra thị trường vẫn nhỏ giọt.

Bên cạnh đó, áp lực trái phiếu doanh nghiệp vẫn đè nặng khiến khả năng triển khai dự án bất động sản mới. Từ nay đến quý IV/2023 chỉ ghi nhận thêm một số dự án mới bổ sung nguồn cung ít ỏi so với lực cầu vốn rất lớn. Chỉ khi những rào cản được tháo bỏ hoàn toàn thì thị trường bất động sản mới bớt khó khăn, dần phục hồi để lấy đà tăng trưởng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục