Đối diện thách thức để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

19:59' - 05/07/2018
BNEWS Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn tới yếu tố môi trường tuy nhiên, các chỉ số về năng lực cạnh tranh vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.
Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững 2018 diễn ra chiều 5/7, đại diện lãnh đạo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đều chung quan điểm cho rằng, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Chủ trì phiên họp toàn thể của hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nội dung tham luận, những kiến nghị, đề xuất từ các đơn vị, bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, giới nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự sát sao với yêu cầu thực tiễn về đổi mới mô hình tăng trưởng, thiết kế nền tảng đổi mới sáng tạo, tạo việc làm ổn định và phương pháp tiếp cận với sự thay đổi liên tục của khoa học và công nghệ.

“Tăng trưởng kinh tế cho đến phát triển kinh tế rồi phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là sự thay đổi tên gọi mà ẩn sau đó là cả những nội hàm rất sâu sắc xuất phát từ quá trình thay đổi nhận thức. Nói khác đi, để đi đến được khái niệm phát triển bền vững như ngày nay là một quá trình dài thay đổi tư duy và hiểu biết của chúng ta về những gì được xem là mục đích và ý nghĩa thực sự của sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế, như cách hiểu truyền thống, chỉ sự gia tăng thu nhập quốc dân thực trên đầu người. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thước đo về tăng trưởng kinh tế từ lâu đã bị phê phán là có nhiều hạn chế. Chẳng hạn, có những nước mức thu nhập bình quân đầu người như nhau nhưng chất lượng sống của người dân những nước này rất khác nhau.

Nhiều nước đạt được mức tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người khá cao nhưng không phải nhóm người nào trong xã hội cũng được hưởng lợi thành quả từ tăng trưởng. Tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng gia tăng…

Đại diện Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, phát triển bền vững là xu thế tất yếu vì thế giới hoà bình thịnh vượng. Trong quá trình thực hiện cam kết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động và lồng ghép vào các nghị quyết, chương trình hành động mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là thách thức lớn, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, để tiếp tục tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Nhìn nhận những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình cải cách và vì sự phát triển bền vững, Phó Thủ tướng bày tỏ nhiều trăn trở, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh là 2 vấn đề liên quan mật thiết tới nhau và cùng nhau tiến tới trong một cuộc chạy đua marathon.

Mặc dù, khá hài lòng về những thành quả kinh tế đã đạt được trong mấy chục năm đổi mới vừa qua, cả về tốc độ tăng trưởng kinh tế, các chỉ số về xã hội đã được nâng cao góp phần cải thiện đời sống người dân một cách toàn diện.

Sau một thời gian, Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn tới yếu tố môi trường. Tuy nhiên, điều còn chưa thực hài lòng là các chỉ số về năng lực cạnh tranh, đánh giá sự cải thiện về môi trường đầu tư và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

Nhìn thẳng vào thực tế, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đánh giá về tình hình và kết quả thực hiện một số giải pháp trong Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo đó, mặc dù đã có một số kết quả về cải cách nhưng tốc độ thực hiện các giải pháp còn chậm và không đồng đều. Số lượng hàng hóa bị kiểm tra chuyên ngành tuy giảm nhưng vẫn còn lớn, thậm chí mở rộng hơn so với quy định của luật. Tình trạng chồng chéo, chưa thống nhất giữa các đơn vị; tình trạng kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia chưa thực chất, chưa hiệu quả….

Trước tình trạng này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững đã chuyển tới Chính phủ một số đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa và mang tính cam kết nhiều hơn nữa giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Cụ thể, Chính phủ tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cương quyết thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là về thủ tục xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng cường thực thi các cam kết về tạo thuận lợi thương mại; tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để tạo đột phá trong cải cách toàn diện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế theo các chuẩn mực mới.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác trong phát triển nguồn nhân lực và đào tạo; thúc đẩy sự phát triển các mô hình hợp tác đầu tư theo hình thức đối tác công – tư trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề kinh tế.

Theo báo cáo tại hội nghị, có 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG) bao gồm: xóa nghèo; xóa đói; cuộc sống khỏe mạnh; chất lượng giáo dục; bình đẳng giới; nước sạch và vệ sinh; năng lượng sạch và bền vững; việc làm đàng hoàng và tăng trưởng kinh tế; công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng; giảm bất bình đẳng; đô thị và cộng đồng bền vững; tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; tài nguyên nước; tài nguyên đất; hòa bình, công bằng và thể chế vững mạnh; hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục