Đổi mới thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

16:26' - 14/08/2020
BNEWS Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang miệt mài, bền bỉ ngày đêm tìm hướng đi mới cho lĩnh vực đang được coi sẽ là tương lai của nền kinh tế Việt Nam
 
Đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ có lợi thế. Ảnh minh họa: TTXVN

Trước nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp khó khăn tuyên bố phá sản, đóng cửa và không ít hoạt động sản xuất kinh doanh phải gián đoạn hoặc ngừng hoạt động thì không ít doanh nghiệp ở ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn đang miệt mài, bền bỉ ngày đêm tìm hướng đi mới cho lĩnh vực đang được coi sẽ là tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Junichi Mori, Nghiên cứu viên thuộc Câu lạc bộ các nhà Kinh tế Nhật-Việt cho biết, công nghiệp hỗ trợ đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là với Việt Nam. Bởi, nội địa hóa là một trong những yếu tố cốt yếu nằm trong chiến lược kinh doanh của các công ty đa quốc gia.

Cụ thể là các công ty Nhật Bản đang họat động tại Việt Nam. Để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết khu vực, việc kết hợp một cách khôn khéo các bộ phận cấu thành của sản phẩm sản xuất từ các địa điểm khác nhau. Đặc biệt là khu vực Đông Á sẽ đem lại hiệu quả cao hơn so với việc áp đặt tỷ lệ nội địa hóa 100%.

Công nghiệp ô tô và điện tử là hai ngành sản xuất có mối liên kết chặt chẽ và đang sử dụng nhiều nhất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Do đó, ngành này được hiểu theo khái niệm tổng quát là toàn bộ quá trình sản xuất các linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu sơn, nhuộm... thậm chí, kể cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế...cho các ngành chế biến hoặc dệt nhuộm, may mặc.

Vì lẽ đó, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thường được sản xuất với quy mô nhỏ bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này hoàn toàn phù hợp và là một lợi thế với số đông doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu do diễn biến bất thường của dịch COVID-19, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tạm thời, chưa có nhiều cơ hội để thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Bởi lẽ, trước những xung đột về lợi ích của các quốc gia, xu hướng chuyển dịch đầu tư trước những rủi ro của dịch bệnh thì công nghiệp hỗ trợ không còn giữ vị thế ưu tiên hàng đầu. Điều đó, thực sự là một quan ngại lớn với chủ trương phát triển ngành này của Việt Nam hiện nay. 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, nhiều ngành sản xuất theo mô hình chuỗi cung ứng như: điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, sản xuất chế biến nông sản, ô tô xe máy, sắt thép, lọc hóa dầu...vốn là những ngành xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm cho người lao động đang chịu ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy do thiếu nguồn cung đầu vào.

Hiện nay, nhiều lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu, nguyên vật liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản... Do đó, nếu công nghiệp phụ trợ chịu ảnh hưởng liên đới cũng là điều dễ hiểu. 

Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam và có những đột phá khi chuyển dịch đầu tư phát triển công nghiệp linh kiện lắp ráp ô tô, hơn 22 năm đầu tư tại Chu Lai (Quảng Nam), Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải đã hình thành tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí phục vụ sản xuất ôtô và linh kiện phụ tùng. Đồng thời, thực hiện gia công cho các khách hàng như Doosan Vina, General Electric (GE), Makitech (Nhật Bản), Agata, Three Stars cùng nhiều công ty khác tại Chu Lai.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Thaco cho biết, từ năm 2018 Thaco đã đề ra tầm nhìn sớm trở thành Tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực Đông Nam Á (ASEAN) với 5 lĩnh vực kinh tế chủ chốt là ôtô và cơ khí; nông lâm nghiệp; đầu tư hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và đô thị; thương mại, logistics.

Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trên nền tảng cơ khí chế tạo là định hướng chiến lược nội địa hóa để tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh việc tiếp thu, chuyển giao công nghệ, tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực kinh tế khác mà Thaco đang tập trung nội lực triển khai. 

Những tháng còn lại của năm, dự báo sức mua thị trường có thể sẽ giảm 25%, Thaco vẫn cam kết sẽ thu nộp ngân sách 2020 đạt ít nhất 12.000 tỷ đồng chỉ giảm 15% so với năm 2019.

Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, Chủ tịch HĐQT Thaco Group Trần Bá Dương cho biết, do đã có sự chuẩn bị từ trước nên doanh nghiệp vẫn chủ động và nỗ lực duy trì sản xuất song song với việc tích cực chia sẻ cùng cộng đồng chống dịch. Công ty không thể để ngưng trệ sản xuất bởi còn không ít đơn hàng xuất khẩu nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện và kể cả ô tô nguyên chiếc của nhiều đối tác đã đặt hàng.

Năm nay, với chiến lược tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và nỗ lực nghiên cứu phát triển sản phẩm cũng như mở rộng thị trường, Thaco đã xuất khẩu xe bus, xe tải, xe du lịch, sơmi rơmoóc sang Thái Lan, Philippines, Campuchia, Singapore, Myanmar, Nhật Bản, Mỹ… 

Thời gian tới, Thaco sẽ gia tăng sản lượng xuất khẩu sang các thị trường hiện hữu và tiếp tục khảo sát, thâm nhập vào các thị trường mới; phát triển hệ thống phân phối tại các nước nhập khẩu; liên doanh, liên kết với các đối tác để mở rộng thị trường sang cả Malaysia, Hàn Quốc, Armenia...

Kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh để ổn định sản xuất kinh doanh, Chủ tịch Trần Bá Dương cho rằng, Chính phủ cần có sự can thiệp nhất định đối với thị trường. Tuy nhiên, cần có sự cân nhắc hài hòa giữa việc giải quyết khó khăn trước mắt với những nguyên tắc của thị trường nhằm giúp doanh nghiệp khắc phục được những vấn đề khó khăn nội tại, song vẫn đảm bảo khuyến khích tinh thần đổi mới, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch công bằng và phù hợp với xu thế chung của kinh tế thế giới hiện nay.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ hiện nay không nhiều bởi năng lực có hạn, nhiều mặt hàng khó có thể sản xuất do thiếu máy móc, công nghệ và trình độ tay nghề nhân công không cao. Thực tế này không phải mới diễn ra mà từng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam đã phản ánh những khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp tại chỗ.

Để có thể khắc phục tình trạng này, theo bà Oanh các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần có quyết tâm mạnh mẽ để đổi mới, nỗ lực thay đổi tư duy quản trị và mạnh dạn đầu tư, nâng cao trình độ, năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp mình. Cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ đã tương đối đầy đủ, Chính phủ và các cấp ngành cũng dành không ít cơ chế ưu tiên về tài chính, đất đai, thuế...để phát triển ngành này./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục