Đôi nét về “người khổng lồ” bán lẻ Central Group của Thái Lan

05:30' - 07/10/2017
BNEWS Gia tộc Chirathivat, những người đặt nền móng cho sự thành công của Central Group, là đại gia đình giàu thứ 3 ở Thái Lan với giá trị tài sản ước tính 12,3 tỷ USD, theo đánh giá của tạp chí Forbes.
Hệ thống Big C - "Đứa con cưng" của Central Group tại Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Người sáng lập Tiang Chirathivat là người gốc Hoa, di cư từ đảo Hải Nam đến Bangkok năm 1925. Trong khi nhiều người nhập cư Trung Quốc khác lựa chọn kinh doanh tại khu phố Tàu (Chinatown), ông Tiang lại mở cửa hàng đầu tiên ở quận Thonburi, ngoại ô Bangkok và bên cạnh con sông Chao Phraya. 

Cửa hàng này nằm ngay gần một ngôi đền lớn do Hoàng gia Thái Lan xây dựng, do đó ông bán giải khát và cho du khách thuê chỗ đậu tàu thuyền. Vào năm 1956, gia đình ông mở cửa hàng bách hóa đầu tiên của Thái Lan ở phố Tàu.

Đến nay, với lịch sử 70 năm hoạt động, Central Group đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu trong ngành bán lẻ của Thái Lan, sở hữu hơn 60 cửa hàng bách hóa và trung tâm thương mại. 

Tập đoàn cũng điều hành nhiều khách sạn và nhà hàng, với tổng cộng 5.000 cơ sở. Trong năm 2016, doanh thu của Central Group đạt 332,7 tỷ baht (9,98 tỷ USD), tăng 17% so với năm trước, khẳng định vị thế nhà bán lẻ lớn nhất ở Thái Lan.

Sự phát triển của Central Group diễn ra trong giai đoạn kinh tế Thái Lan tăng trưởng đều đặn, với số người trong tầng lớp trung lưu gia tăng kéo theo nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ mới cũng đi lên. 

Tuy nhiên, trước tình hình dân số Thái Lan bắt đầu già đi và chi tiêu ở nước ngoài nhiều hơn, cùng với sự cạnh tranh gay gắt của thương mại điện tử, Central Group đối mặt với nhu cầu cấp bách cần phải cải cách để hội nhập với bối cảnh mới.

 Tư duy nhìn xa trông rộng

Trả lời phỏng vấn của Nikkei Asian Review, Tổng giám đốc Tos Chirathivat - người thừa kế thế hệ thứ ba, nhận định rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động của các trung tâm bách hóa, mà chúng chiếm khoảng 40% doanh thu của tập đoàn. 

Trong khi đó, bức tranh thị trường bán lẻ lớn hơn rất nhiều so với những đại siêu thị, với nhiều mô hình đa dạng như trung tâm thương mại, cửa hàng giảm giá (discount store) và cơ sở bán đồ chuyên dụng (specialty store).

Vị tổng giám đốc 52 tuổi này đã theo học chuyên ngành tài chính ở trường đại học Columbia University ở New York và ban đầu ông muốn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư.

Ông làm việc một năm cho Citibank tại Thái Lan, trước khi trở lại nối nghiệp gia đình và thành lập chuỗi siêu thị Big C đình đám vào năm 1994. Ông Tos cũng giám sát việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở các khu vực nông thôn, hiện chiếm khoảng một nửa doanh số bán lẻ của công ty.

Không dừng lại ở đó, sau khi nắm vị trí lãnh đạo tập đoàn, ông Tos đã mở rộng quy mô của Central Group trên thế giới bằng việc thâu tóm một số trung tâm thương mại lớn ở châu Âu như La Rinascente của Italy và KaDeWe của Đức, bên cạnh thương vụ mua lại hệ thống Big C tại Việt Nam từ tập đoàn Casino (Pháp).

Central Group là một đại diện tiêu biểu cho mô hình doanh nghiệp “cha truyền con nối” ở Thái Lan. Các thành viên trong gia tộc nắm giữ toàn bộ những vị trí chủ chốt bao gồm 15 người trong hội đồng quản trị và 7 người trong ban giám đốc. 

Ở một số tập đoàn “gia đình trị” khác, các chức vụ điều hành được giao cho chuyên gia quản lý để đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu suất tốt nhất. Ông Tos cho rằng gia tộc Chirathivat chia sẻ "một triết lý khác", và quy trình lựa chọn các vị trí giám đốc rất chặt chẽ, đòi hỏi phải có ít nhất 75% sự chấp thuận của hội đồng quản trị

Để giữ vững mối quan hệ trong gia tộc và tránh xảy ra tranh chấp, Samrit Chirathivat, con trai của người sáng lập, đã xây dựng một ngôi nhà ở quận Sala Daeng tại trung tâm thành phố Bangkok, để gần 50 người nhà Chirathivat cùng chung sống qua ba thế hệ. 

Mặc dù hiện nay khu nhà ở trung tâm của đại gia đình Chirathivat đã cũ và quá nhỏ so với số lượng thành viên, song một số người vẫn sống cùng nhau.

Các thành viên gia đình cũng giữ liên lạc với nhau thông qua "group chat" trực tuyến. Hàng năm, vào ngày 10/7, kỷ niệm ngày mất của người sáng lập Tiang Chirathivat, cả gia đình tập hợp tại ngôi đền gần nơi mà ông Tiang đã gây dựng cửa hàng đầu tiên.

Chuyển mình trong thời đại mới

Mở rộng kinh doanh ở nước ngoài và thương mại điện tử là hai thách thức lớn nhất mà Central Group phải đối mặt trong khi hoạt động bán lẻ truyền thống đang tăng trưởng chậm lại. Tổng giám đốc Tos thừa nhận rằng ông không tự tin về khả năng bắt kịp với xu hướng mua sắm trực tuyến.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C – TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN

Thị trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á vẫn là tương đối nhỏ và chưa có “đại gia” nào chiếm lĩnh, như Alibaba Group Holding ở Trung Quốc hay Amazon ở phương Tây.

Do đó, tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn. Amazon mới đây đã tiếp cận thị trường Singapore, trong khi Alibaba đầu tư vào Lazada - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất ở Đông Nam Á, và đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm logistic lớn ở Thái Lan.

Để giải quyết khó khăn này, ông Tos đã tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Trong năm ngoái, Central Group đã bắt đầu tuyển dụng các giám đốc điều hành không phải là thành viên gia đình vào những vị trí quản lý cấp cao. Nhóm lãnh đạo mới có nhiệm vụ giúp tập đoàn chuyển đổi và phát triển mảng kinh doanh trực tuyến.

Hiện nay, Central Group đã bắt đầu thực hiện kế hoạch đào tạo người kế nhiệm nhằm tránh nguy cơ xảy ra tranh chấp nội bộ, bao gồm các ứng viên cả từ trong gia tộc và bên ngoài. 

Pavida Pananond, phó giáo sư của Trường Kinh doanh Thammasat nhận định rằng thách thức của ban lãnh đạo cấp cao của Central Group là làm thế nào để tập đoàn gia đình có mối liên hệ chặt chẽ này trở nên cởi mở và có mức độ chuyên nghiệp hóa cao hơn./.

Xem thêm:

>> "Câu chuyện thương hiệu" của các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ và vừa

>> Big C Thái Lan bị giảm doanh thu mạnh nhất trong ngành - Bnews

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục