Tiếp tục cải thiện thứ hạng chỉ số thuận lợi kinh doanh

08:47' - 04/04/2017
BNEWS Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.

Thời gian nộp thuế giảm 420 giờ, 99,85% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, vận hành thông suốt hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACSS/VCIS)… là những kết quả Bộ Tài chính đã triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.

BNEWS: Xin ông cho biết những kết quả triển khai Nghị quyết 19 mà Bộ Tài chính đã thực hiện trong thời gian qua ?

Ông Ngô Hữu Lợi: Trong những năm gần đây, hàng năm Chính phủ đều ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan tới lĩnh vực tài chính, nhất là lĩnh vực thuế và hải quan.

Trong năm 2016, Bộ Tài chính đã đạt được những kết quả thiết thực khi thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP.

Trước hết, trong lĩnh vực thuế, việc kê khai, nộp thuế và hoàn thuế điện tử được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần củng cố và cải thiện kết quả về giảm thời gian nộp thuế của những năm trước, từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, giảm 420 giờ.

Ông Ngô Hữu Lợi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính. Ảnh: Infonet

Trong kê khai thuế điện tử, tính đến thời điểm 31/12/2016, hệ thống khai thuế qua mạng đã được triển khai cho 63 Cục Thuế và 100% các Chi cục Thuế trực thuộc.

Cả nước đã có gần 573.700 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,85%, số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận đến nay là trên 37,5 triệu hồ sơ.

Ngành tài chính đã phối hợp với 43 ngân hàng thương mại hoàn thành kết nối nộp thuế điện tử. Đến hết năm 2016 đã có trên 562 nghìn doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ với cơ quan Thuế, đạt tỷ lệ 97,98% và trên 558 nghìn doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng, đạt tỷ lệ 97,16%.

Về hoàn thuế điện tử, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2790/QĐ-BTC ngày 27/12/2016 về việc áp dụng thí điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử. Đến nay đã thí điểm thực hiện tại thành phố Hà Nội và thành phố Hải phòng.

Trong lĩnh vực hải quan, đã đẩy mạnh hiện đại hóa thông qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện và vận hành thông suốt hệ thống thông quan điện tử tự động (VNACSS/VCIS), qua đó giảm mạnh thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Hiện hầu hết các quy trình, thủ tục hải quan đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc. Tính từ 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2016, đã có trên 69,39 nghìn lượt doanh nghiệp tham gia hệ thống.

Cơ quan hải quan đã cung cấp 181 dịch vụ công trực tuyến; trong đó có 168 dịch vụ liên quan đến thủ tục hành chính. Trong 119/168 dịch vụ công hiện được cung cấp trực tuyến cấp độ 3,4 và có tới 115 dịch vụ được cung cấp trực tuyến cấp độ 4.

Về cơ chế một cửa quốc gia, ngành tài chính đã kết nối chính thức với 11 Bộ bao gồm 37 thủ tục hành chính với tổng số 264 nghìn bộ hồ sơ được xử lý.

Có thể nói, các kết quả trên đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và kết quả cải cách hành chính của Bộ Tài chính.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business) thì chỉ số về nộp thuế đã được cải thiện tăng 11 bậc và chỉ số về thương mại qua biên giới (lĩnh vực hải quan) tăng 15 bậc, góp phần vào việc cải thiện thứ hạng về chỉ số thuận lợi kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc.

Đối với xếp hạng về chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, ngành ( Par Index ) được công bố năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2.

BNEWS: Theo yêu cầu Nghị quyết 19 năm nay, Bộ Tài chính phải tiếp tục thực hiện việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian nộp thuế, chi phí thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới. Vậy Bộ đã đề ra những giải pháp gì để thực hiện?

Ông Ngô Hữu Lợi: Ngay trong quá trình xây dựng Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu đối với các lĩnh vực tài chính nên chỉ sau 14 ngày kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành kế hoạch hành động thực hiện bằng Quyết định 328/QĐ-BTC ngày 20/2/2017 .

Tiếp tục kế thừa và phát huy ưu điểm của kế hoạch hành động những năm trước, Kế hoạch hành động năm 2017 của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 19 bao gồm 87 giải pháp và 175 sản phẩm đầu ra với tiến độ khẩn trương, phân công cụ thể đơn vị chủ trì và phối hợp, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

Theo đó, trong lĩnh vực hải quan, có 36 giải pháp được cụ thể hóa thành 57 sản phẩm đầu ra trong từng nhóm nhiệm vụ như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật; Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; Hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN...

Trong lĩnh vực thuế, có 20 giải pháp được cụ thể hóa thành 31 sản phẩm đầu ra trong từng nhóm nhiệm vụ như: Tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; Rà soát sửa đổi, bổ sung Quy trình nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến người nộp thuế; Thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, giải quyết khiếu nại theo mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 19; Tổ chức bộ máy và nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý thuế...

Đối với các lĩnh vực tài chính khác; trong đó có một số lĩnh vực mới được quy định trong Nghị quyết 19 như quản lý nợ công, thị trường chứng khoán, bảo hiểm.... bao gồm 31 giải pháp được cụ thể hóa thành 87 sản phẩm đầu ra.

BNEWS: Có thể nhận thấy, để triển khai Nghị quyết 19 đòi hỏi sự vào cuộc, tổ chức thực hiện đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương. Xin ông cho biết, Bộ Tài chính đã có sự phối hợp như thế nào để hiện thực hóa Nghị quyết ?

Ông Ngô Hữu Lợi: Tài chính là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan tới, nhiều lĩnh vực khác và trải rộng từ trung ương tới địa phương nên việc triển khai thực Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ đối với lĩnh vực tài chính luôn cần sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc thực sự của các Bộ, ngành và địa phương.

Có thể thấy, ngay trong kế hoạch hành động của Bộ Tài chính cũng đã chỉ rõ các giải pháp, các sản phẩm đầu ra cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan. Ví dụ như: đ ối với việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, đến nay đã kết nối chính thức với 11 Bộ bao gồm 37 thủ tục hành chính.

Để tăng cường hiệu quả phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và phối hợp với các Bộ để sớm tăng thêm số lượng thủ tục hành chính được thực hiện qua hệ thống.

Hay trong kiểm tra chuyên ngành, việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu cần kiểm tra chuyên ngành có ý nghĩa quan trọng vì việc kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 72% thời gian thông quan hàng hóa.

Để giảm thời gian thông quan hàng hóa, đặc biệt là thời gian kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, qua đó kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi 87 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và kiến nghị các Bộ quản lý ngành sửa đổi, bổ sung thêm hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Cùng với việc sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và thành lập điểm kiểm tra chuyên ngành tâp trung, góp phần giảm đáng kể thời gian thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đến nay, đã thành lập được 10 điểm tại 8 Cục Hải quan tỉnh thành phố. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu để thành lập thêm các điểm kiểm tra chuyên ngành tâp trung.

Đối với năm 2017, để triển khai thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP một cách thiết thực, hiệu quả, bên cạnh sự chủ động, quyết liệt của Bộ Tài chính trong việc trong thực hiện kế hoạch hành động đã được ban hành thì cũng rất cần sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Bộ, ngành có liên quan, nhất là sự phối hợp khẩn trương trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm.

BNEWS: Xin cảm ơn ông !

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục