Đồng bitcoin thôi thúc Thụy Sỹ nghiên cứu tiền điện tử

05:30' - 06/10/2023
BNEWS Sự phát triển của tiền điện tử đã truyền cảm hứng để các ngân hàng trung ương và doanh nghiệp tư nhân điều chỉnh lại chiến lược về các đồng tiền bằng cách trang bị công nghệ kỹ thuật số mới nhất.

Thụy Sỹ được đánh giá có vị thế tốt để đảm nhận vai trò dẫn đầu khi đã thành lập mạng lưới các công ty về tiền điện tử, được gọi chung là “Thung lũng tiền điện tử”, tương tác với lĩnh vực tài chính truyền thống. Các chủ ngân hàng Thụy Sỹ rất hào hứng với cách công nghệ sổ cái phân tán (DLT) kỹ thuật số có thể tự động hóa các nhiệm vụ, giúp tiết kiệm thời gian, chẳng hạn như xử lý giao dịch và mở ra những con đường kinh doanh mới.

Ông Grégoire Bordier, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Tư nhân Thụy Sỹ, nói với trang SwissInfo: “Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) về cơ bản sẽ thay đổi hoạt động kinh doanh của chúng tôi, mọi người đều đang xem xét công nghệ này. Trụ cột cạnh tranh cơ bản của ngành tài chính là công nghệ thông tin (CNTT). Một trong những lý do khiến Thụy Sỹ hoan nghênh việc thành lập Thung lũng tiền điện tử là để duy trì hoạt động trong quá trình đổi mới CNTT không ngừng phát triển”.

* Các mục tiêu khác nhau

Mục tiêu là tăng tốc các giao dịch tài chính, giảm phí và tự động hóa các phần khác nhau trong chuỗi tài chính. Tuy nhiên, điều này có ý nghĩa gì đối với các ngân hàng, người buôn bán và người dân trên đường phố? Cuối cùng, quá trình này phụ thuộc vào thiết kế chính xác của tiền kỹ thuật số mới.

Những người tạo ra bitcoin đã phát minh ra blockchain để cung cấp cho người dùng toàn quyền kiểm soát tiền và quyền tự do chi tiêu mà không cần đến ngân hàng – giống như giao tiền mặt cho ai đó, nhưng trong thế giới kỹ thuật số. Một loại tiền điện tử riêng biệt, được gọi là stablecoin, tìm cách hạn chế sự biến động giá đột ngột bằng cách gắn với các loại tiền tệ truyền thống hoặc các tài sản khác để ổn định giá trị của chúng.

Đây cũng là vấn đề đang tạo ra xung đột khi chính phủ và ngân hàng trung ương lo ngại mất quyền kiểm soát tiền đối với loại tiền kỹ thuật số tư nhân mới này. Nhiều quốc gia đã điều chỉnh các quy định tài chính để ngăn chặn người dùng bitcoin vượt qua các biện pháp kiểm soát rửa tiền và gian lận. Tuy nhiên, thế giới tài chính truyền thống cũng nhận thấy cơ hội tận dụng DLT để duy trì lợi thế của mình. Tiền điện tử đã mở ra “chiếc hộp Pandora” cho các loại tiền.

Để trả lời cho vấn đề tiền điện tử hay cụ thể là bitcoin, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) là một trong hàng chục ngân hàng trung ương đang thử nghiệm tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương (CBDC), một loại tiền điện tử được nhà nước kiểm soát và hỗ trợ. Một cuộc khảo sát gần đây đối với 86 ngân hàng trung ương tham gia thanh toán quốc tế cho thấy 93% đang tham gia vào các thử nghiệm CBDC. Nhiều người đã tăng cường các hoạt động để đáp lại sự nhiệt tình ngày càng tăng của công chúng đối với bitcoin và sự xuất hiện của các loại tiền kỹ thuật số tư nhân khác, chẳng hạn như Libra/Diem dù dự án này không còn được Facebook hỗ trợ phát triển.

Các trường hợp sử dụng tiềm năng của tiền kỹ thuật số rất đa dạng: thay thế tiền mặt vật chất, truy tìm các dòng tài chính tội phạm hiệu quả hơn hoặc cho phép người dân ở các quốc gia có hệ thống ngân hàng yếu kém quản lý tài chính của họ trên điện thoại thông minh.

Ông Thomas Eichenberger, Giám đốc sản phẩm tại ngân hàng Sygnum, chuyên về tài sản kỹ thuật số, cho biết DLT cũng có thể cung cấp cho mọi người khả năng tiếp cận và lựa chọn nhiều hơn đối với các khoản vay và giao dịch tài chính. Ông nói: “Trải nghiệm người dùng tốt hơn và hiệu quả chi phí sẽ là kết quả tự nhiên của tài chính không cần trung gian”. Tuy nhiên, trong khi ý định này có vẻ lành tính trên giấy tờ thì ý tưởng về việc các ngân hàng trung ương thay thế tiền giấy bằng các phiên bản tiền kỹ thuật số mới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới.

 

* Mối đe dọa với tiền mặt

Thời gian qua, phong trào Tự do Thụy Sỹ đã đưa ra một sáng kiến phổ biến, được mệnh danh là “Tiền mặt là Tự do”, yêu cầu hiến pháp bảo vệ tiền mặt vật chất. Phong trào Tự do Thụy Sỹ lo ngại rằng tiền kỹ thuật số có thể bị lạm dụng để giám sát các khoản thanh toán của người dân, xóa bỏ tính ẩn danh mà tiền mặt mang lại. Ông Patrick Schueffel, Giáo sư tại Viện Tài chính của Trường Quản lý Fribourg, tin rằng CBDC có thể được sử dụng cho các mục đích không lành mạnh hơn nhiều.

Ngoài ra, ông cũng cảnh báo công nghệ mới có thể được tận dụng để giám sát các khoản thanh toán, chặn các giao dịch “không được xã hội chấp nhận”, chẳng hạn như những giao dịch gây hại cho môi trường hoặc đơn giản là loại những người “không mong muốn” ra khỏi hệ thống tài chính.

Hiện cơ quan bảo vệ dữ liệu Thụy Sỹ đã lưu ý những lo ngại về hoạt động giám sát xâm nhập. Cơ quan này mới ra tuyên bố: “Khi nói đến việc tạo ra các loại tiền kỹ thuật số, nguyên tắc chính cần tuân thủ là quyền riêng tư theo thiết kế và theo mặc định, yêu cầu các dự án phải tính đến lợi ích quyền riêng tư ngay từ đầu để phát triển một khái niệm tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu theo tiêu chuẩn”.

Tuy nhiên hiện tại, SNB nhận thấy việc sản xuất đồng franc kỹ thuật số cho những người mua sắm trên đường phố không có ý nghĩa nhiều vì điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng thương mại. Thay vào đó, SNB đang làm việc với các ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán để tạo ra cái gọi là CBDC bán buôn nhằm tăng tốc độ thanh toán trong giao dịch tài chính.

Quá trình này sẽ hoạt động song song với các phiên bản số hóa của chứng khoán, như cổ phiếu công ty, có thể đổi chủ với tốc độ cực nhanh 24/7, thay vì phải trì hoãn vài ngày như hiện nay. Dĩ nhiên, việc triển khai có thể để lại khoảng trống cho một loại tiền kỹ thuật số dành cho mục đích bán lẻ nói chung. Các liên doanh thương mại đang có ý định lấp đầy khoảng trống bằng stablecoin được hỗ trợ bởi đồng franc Thụy Sỹ gửi tại ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục