Thỏa thuận thế kỷ của hai "gã khổng lồ" ngân hàng Thụy Sỹ
Phải chăng "gã khổng lồ" ngân hàng Thụy Sỹ UBS đã đạt được “thỏa thuận thế kỷ”, thành công mua lại một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới với mức giá hời, khi Credit Suisse đang mấp mé trên bờ vực phá sản?
Vào tháng 3/2023, UBS tuyên bố sẽ chi 3,2 tỷ USD tiếp quản Credit Suisse, nhằm ngăn chặn ngân hàng này phá sản. Vào tháng 5/2023, Ủy ban châu Âu (EC) bật đèn xanh cho thỏa thuận nói trên, khẳng định UBS không vi phạm bất kỳ nguyên tắc cạnh tranh hay luật chống độc quyền nào trên toàn phạm vi Liên minh châu Âu (EU). Việc sáp nhập hợp pháp giữa UBS và Credit Suise hoàn tất vào ngày 12/6.
Cũng trong tháng 6/2023, Bộ Tài chính Thụy Sỹ cho biết đã ký một thỏa thuận cung cấp bảo lãnh trị giá 9 tỷ franc (10,01 tỷ USD) với UBS, nhằm giảm rủi ro mà ngân hàng này phải gánh chịu sau thương vụ mua lại Credit Suisse. Chính phủ Thụy Sỹ nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của cả chính phủ lẫn UBS là giảm thiểu những tổn thất và rủi ro tiềm ẩn để "tránh trường hợp phải sử dụng tối đa khoản bảo lãnh". Tuy nhiên, đến tháng 8/2023, UBS bất ngờ tuyên bố không cần số tiền hàng tỷ USD bảo lãnh do chính phủ Thụy Sỹ và Ngân hàng trung ương đề xuất hỗ trợ.
Nghị sỹ Thomas Aeschi, thành viên Quốc hội thuộc đảng Nhân dân Thụy Sỹ (SVP), nói: “Điều này cho thấy tình hình của Credit Suisse tốt hơn nhiều so với những gì được mô tả vào tháng Ba”.
Thỏa thuận thế kỷ
UBS dường như đang chứng minh rằng ngân hàng này đã đúng. Trong bản công bố lợi nhuận quý II/2023 phát hành ngày 31/8, UBS thông báo có mức lợi nhuận ròng cao ngất ngưởng, đạt 29,2 tỷ USD chỉ trong thời gian ba tháng, nhờ khoản lãi đặc biệt do chênh lệnh giữa số tiền phải trả cho Credit Suisse và giá trị số sách của ngân hàng này. Đảng Dân chủ Xã hội Thụy Sỹ ca ngợi: “UBS đã thực hiện được một thỏa thuận thế kỷ” và chính hành động “giải cứu” trở thành một cơ hội "trời cho", cho phép UBS sở hữu một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, với cái giá “không thể rẻ hơn”.
Thương vụ này sẽ tạo ra một ngân hàng khổng lồ ở Thụy Sỹ, quản lý khối lượng tài sản trị giá 5.000 tỷ USD, đưa UBS lên vị trí dẫn đầu tại các thị trường chủ chốt, mà lẽ ra ngân hàng này sẽ mất nhiều năm tăng trưởng về quy mô và phạm vi hoạt động mới có thể đạt được, đồng thời giúp UBS giành được bộ phận ngân hàng bán lẻ được đánh giá cao của Credit Suisse. Các nhà phân tích của Citigroup ước tính siêu ngân hàng mới sẽ chiếm khoảng 35% tiền gửi trong nước và 31% khoản vay doanh nghiệp của Thụy Sỹ.
Nghị sỹ Samuel Bendahan của đảng Dân chủ Xã hội, đồng thời là giáo sư kinh tế tại Đại học Lausanne, lý giải nếu vụ việc “giải cứu” Credit Suisse đi theo một hướng khác, ví dụ như quốc hữu hóa tạm thời hoặc một phần, thì chính phủ Thụy Sỹ sẽ phải chấp nhận rủi ro có thể xảy ra, nhưng 29,2 tỷ USD đó sẽ thuộc về người dân Thụy Sỹ. Theo nghị sỹ Bendahan, việc UBS tiếp quản Credit Suisse đã tạo ra một “tình huống độc quyền”. Điều này có thể giúp củng cố sức mạnh của UBS, nhưng lại đặt Thụy Sỹ vào một tình thế cực kỳ rủi ro khác, nếu một ngày nào đó siêu ngân hàng mới (hợp nhất giữa UBS và Credit Suisse) phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Quá lớn để có thể phá sản
Luật sư, Giáo sư Carlo Lombardina tại Đại học Lausanne, nói: "UBS đã trả 'vài xu' để có thể loại bỏ một cách hoàn toàn và nhanh chóng đối thủ cạnh tranh". Nhưng việc tái cơ cấu của hai ngân hàng trong giai đoạn sắp tới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau sáp nhập, UBS hiện đang quản lý tới 5.000 tỷ USD tài sản đầu tư. Giáo sư Lombardina nhấn mạnh: “UBS không thể để xảy ra bất kỳ sai lầm nào”.
Giống như UBS, Credit Suisse nằm trong số 30 ngân hàng quốc tế được coi là quá lớn để có thể phá sản, do tầm quan trọng của các doanh nghiệp này trong cấu trúc ngành ngân hàng. Nhưng sự sụp đổ của liên tiếp ba nhà cho vay địa phương của Mỹ vào tháng 3/2023, đã cho thấy Credit Suisse là một mắt xích yếu nhất trong chuỗi 30 ngân hàng nói trên. Chính phủ Thụy Sỹ lo ngại Credit Suisse sẽ nhanh chóng vỡ nợ và gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới, hủy hoại danh tiếng là quốc gia sở hữu các ngân hàng tốt nhất thế giới của Thụy Sỹ.
Vẫn còn khó khăn phía trước
Trả lời phỏng vấn tuần báo SonntagsZeitung gần đây, Giám đốc UBS Sergio Ermotti xác nhận ngân hàng này “lo lắng” về Credit Suisse từ năm 2016 và đã xem xét khả năng mua lại đối thủ, vì sợ rằng các nhà đầu tư nước ngoài có thể “nẫng tay trên”. Ông Ermotti cũng tiết lộ Credit Suisse có lẽ sẽ tồn tại thêm được một thời gian nữa, nếu Ngân hàng trung ương bơm thêm tiền mặt, “nhưng như vậy là chưa đủ, vì niềm tin đã bốc hơi”.
Kể từ khi thông báo tiếp quản Credit Suisse vào tháng 3/2023, giá cổ phiếu của UBS đã tăng 31%. Tuy nhiên, nhà phân tích Andreas Venditti của công ty Vontobel nói ngân hàng này vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Ông Venditti phân tích 29,2 tỷ USD là “khoản lãi lớn thu một lần duy nhất, nhưng đó chỉ là về mặt chứng từ sổ sách”. Trên thực tế, “những tổn thất và chi phí sẽ đến sau” và “đó sẽ là một trách nhiệm khổng lồ” của UBS.
Vài tháng trước, chính nhà phân tích Venditti đã từng đặt câu hỏi liệu việc mua lại Credit Suisse của UBS sẽ là “thỏa thuận thế kỷ hay một thế kỷ rắc rối”? Mọi chuyện sẽ chỉ trở nên rõ ràng sau khi hầu hết quá trình tái cơ cấu được thực hiện xong, trong ba năm tới. Ông giải thích các bộ phận kinh doanh của Credit Cuisse đang tiếp tục “gây ra những khoản lỗ lớn”, đồng thời cảnh báo “vẫn có thể xảy ra sai sót”.
Nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya của Swissquote đồng tình với nhận định trên và lưu ý rằng "UBS bị buộc" phải sáp nhập. Theo ông Ozkardeskay, nhiệm vụ bây giờ của UBS là “biến nghĩa vụ thành lợi ích”.
Theo báo cáo của UBS công bố ngày 17/5, ngân hàng này ước tính sẽ đối mặt với thiệt hại tài chính khoảng 17 tỷ USD từ thương vụ mua lại Credit Suisse, trong đó bao gồm việc điều chỉnh lại giá trị của các tài sản và nợ mà ngân hàng sau sáp nhập nắm giữ, ước tính tạo thiệt hại 13 tỷ USD. 4 tỷ USD còn lại là khoản tiền dùng để trang trải các chi phí pháp lý nếu phát sinh do thương vụ nói trên. UBS còn cho biết có thể có các chi phí khác nữa cho việc tái cơ cấu, nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Những thách thức mới
Giữa tháng 8/2023, Tổng thư ký Arik Roschke của Hiệp hội bảo vệ cổ đông Thụy Sỹ (SASV) công khai thông tin cho biết đã đại diện 1.000 cổ đông của Credit Suisse đệ trình đơn khiếu kiện tập thể đối với Credit Suise lên tòa án Thụy Sỹ.
Các cổ đông của Credit Suisse cảm thấy bị thiệt hại bởi các điều khoản sáp nhập giữa Credit Suisse và UBS. Theo các điều khoản này, giá trị sổ sách của Credit Suisse đã bị hạ thấp quá mức so với giá trị thực tế, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phần.
Một vụ kiện tập thể tương tự cũng đang được chuẩn bị bởi công ty khởi nghiệp LegalPass, hoạt động trong lĩnh vực pháp lý. Công ty này cho biết đã huy động đủ tiền từ hàng trăm cổ đông của Credit Suisse vào tháng 7/2023 để tiến hành khiếu nại. Cùng tháng Quốc hội Thụy Sỹ bắt đầu mở cuộc điều tra về thương vụ tiếp quản ngân hàng Credit Suisse theo sự sắp xếp của chính phủ nước này.
Đến tháng 8/2023, một phương tiện truyền thông trong nước đưa tin Ủy ban Cạnh tranh Thụy Sỹ (Comco) vào cuộc điều tra quá trình tiếp quản Credit Suisse của UBS và đang chuẩn bị tiến hành điều trần.
Tờ Handelzeitung cho biết, Giám đốc Comco Patrik Ducrey đã xác nhận thông tin, đồng thời tiết lộ đã gửi thông báo đến Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính (Finma). Tuy nhiên, đại diện của Comco không cho biết rằng có đề xuất những yêu cầu cụ thể nào với Finma hay không.
Đến nay, các cơ quan quản lý của Thụy Sỹ chưa từng đưa ra bất kỳ điều kiện nào đối với các thỏa thuận sáp nhập, cho dù đó là thỏa thuận của các “đại gia”. Trong trường hợp sự ổn định tài chính bị đe dọa, Finma có thể phê duyệt việc sáp nhập mà không cần sự can thiệp của Comco./.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Tương lai thị trường tài chính Mỹ: Lợi ích đi kèm rủi ro
06:30'
Do cách tiếp cận chính trị và kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump rất phi truyền thống, thị trường đang cố hấp thụ những khả năng có thể xảy ra từ quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng.
-
Phân tích - Dự báo
"Trận cuồng phong" đang đến với ngành ô tô Đức
05:30'
Chỉ trong vòng một năm, tình hình ngành công nghiệp ô tô Đức đã quay ngoắt 180 độ, từ tâm lý lạc quan với lợi nhuận cao sang tới sự bi quan về triển vọng ảm đạm phía trước.
-
Phân tích - Dự báo
Giải mã việc đề cử ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ
06:30' - 28/11/2024
Bộ trưởng Tài chính tương lai của Mỹ là cố vấn thân cận nhất của ông Donald Trump, nhờ việc bổ sung chiều sâu cho các đề xuất kinh tế và bảo vệ chính sách thương mại bảo hộ hơn của Tổng thống đắc cử.
-
Phân tích - Dự báo
Ngành hóa dầu Hàn Quốc bên bờ khủng hoảng
05:30' - 28/11/2024
Cạnh tranh từ Trung Quốc và Trung Đông đang khiến ngành hóa dầu Hàn Quốc lâm vào "thế khó", thể hiện qua hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hóa dầu lớn và giá cổ phiếu sụt giảm.
-
Phân tích - Dự báo
Những thách thức kinh tế đối với châu Âu
06:30' - 27/11/2024
Lạm phát của châu Âu vẫn ở mức cao, chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt. Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị cũng góp phần cản đà phục hồi tăng trưởng của khu vực.
-
Phân tích - Dự báo
Kỷ nguyên vàng của bitcoin đã bắt đầu?
05:30' - 27/11/2024
Giá bitcoin, vốn bắt đầu năm 2024 ở mức 38.000 USD, hiện đang tiệm cận ngưỡng 100.000 USD. Đồng bitcoin đã tăng vọt trong những tuần gần đây phần lớn nhờ "hiệu ứng Donald Trump".
-
Phân tích - Dự báo
Các nhà máy ô tô Mexico lo ngại chính sách thuế mới của Mỹ
06:30' - 26/11/2024
Theo tờ The New York Times bằng tiếng Tây Ban Nha, chính sách thuế quan trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai của ông Donald Trump có thể giáng đòn mạnh vào các nhà máy sản xuất ô tô tại Mexico.
-
Phân tích - Dự báo
Chuyển đổi năng lượng - “thế khó” cuả Nhật Bản
05:30' - 26/11/2024
Nhật Bản đang cân nhắc đặt mục tiêu đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn năng lượng lớn nhất của đất nước vào năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2040.
-
Phân tích - Dự báo
Vàng sẽ tìm lại đỉnh cao?
15:26' - 25/11/2024
Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ phục hồi vào năm tới, do vàng vẫn giữ được sức hấp dẫn như một tài sản trú ẩn an toàn.