Động lực mới cho thị trường tài chính Việt Nam 2025

16:06' - 12/12/2024
BNEWS Năm 2025 hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới đầy triển vọng cho thị trường tài chính Việt Nam, với tài chính xanh trở thành động lực chủ đạo thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Trong bối cảnh toàn cầu tập trung vào việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng, tận dụng những chính sách và công cụ tài chính hiện đại để huy động nguồn lực cho các dự án năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. 

Các chuyên gia nhận định, việc áp dụng mạnh mẽ tài chính xanh không chỉ giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050, mà còn là cơ hội để nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ các nguồn vốn quốc tế, phát hành chứng khoán xanh và tăng cường hợp tác toàn cầu sẽ là chìa khóa mở đường cho sự phát triển đột phá. Trong hành trình này, vai trò của chính sách và quyết tâm thực thi đồng bộ sẽ quyết định thành công của Việt Nam trong việc chuyển hóa thách thức thành cơ hội lớn.

Động lực từ tăng trưởng xanh và hội nhập quốc tế

Theo TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các yếu tố như hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các ngành kinh tế mới như năng lượng tái tạo, kinh tế số sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng trong thời gian tới.

"Cụ thể, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do, trong đó có 2 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa được thị trường xuất nhập khẩu, đẩy mạnh nhập khẩu vào các thị trường mới, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế là đối tác của Việt Nam đang ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các luồng thương mại mới sau cuộc chiến thương mại toàn cầu đã mang lại lợi thế nhất định, giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI, tăng tỷ trọng đầu tư, tăng cường năng lực sản xuất và xuất khẩu. Chưa hết, năng lượng xanh, kinh tế số... cũng là những nhân tố mới mang tính thời đại sẽ tạo động lực cho tăng trưởng", TS. Lê Xuân Sang phân tích.

 
Đánh giá triển vọng trong năm 2025, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối Chính sách Giám sát, Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định tăng trưởng vĩ mô được dự báo sẽ cải thiện hơn trong năm 2025 là điều kiện rất thuận lợi để phát triển thị trường vốn và cung ứng vốn ra nền kinh tế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến duy trì ở mức 14-15%, tương tự như năm 2024. Nợ xấu dù ở mức cao nhưng được kỳ vọng sẽ không tăng, thậm chí có thể giảm trong năm tới nhờ những tín hiệu cải thiện của nền kinh tế và các chính sách điều hành hiệu quả.

Bên cạnh đó, liên quan đến thị trường chứng khoán, kỳ vọng nâng hạng thị trường trong năm 2025 là một trong những động lực tích cực giúp thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục và tăng trưởng. "Nếu có thể đẩy mạnh các nỗ lực cải cách, việc nâng hạng có thể diễn ra sớm hơn dự kiến, mang lại cơ hội thu hút vốn đầu tư quốc tế", ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.

Về vấn đề này bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ ra nhiều lợi thế khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng như cơ hội huy động vốn của nền kinh tế từ dòng vốn ngoại, giúp thị trường chứng khoán phát triển mạnh và có chất lượng hơn nhờ sự tham gia của các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài lớn, có uy tín, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp Việt Nam, cải thiện thanh khoản của thị trường chứng khoán và giúp thị trường chứng khoán trở thành kênh huy lợi vốn trung và dài hạn quan trọng, hiệu quả cho nền kinh tế.

Áp lực vẫn tồn tại

Dù có nhiều triển vọng tích cực, Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức không nhỏ. Áp lực từ sự thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu và rủi ro lạm phát sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư và môi trường kinh doanh trong nước. Hệ thống pháp lý, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính xanh và đầu tư công, cần được cải thiện để đáp ứng tốc độ phát triển của thị trường.

TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh rằng năm 2024, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát thành công dù phải đối mặt với áp lực từ giá năng lượng toàn cầu và sự biến động của tỷ giá. Điều này đến từ những chính sách điều hành chủ động của Chính phủ và sự linh hoạt của nền kinh tế. Dù vậy, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng từ những biến động bên ngoài, đặc biệt là xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ ở nhiều quốc gia, làm giảm dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi.

Ngoài ra, việc nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát thị trường, kiểm soát rủi ro nợ xấu và duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô là những nhiệm vụ cấp thiết.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, thị trường bất động sản dù đã có dấu hiệu phục hồi, song sự ổn định vẫn còn mong manh. Hiện tượng thổi giá và tăng giá ảo vẫn diễn ra, làm tăng nguy cơ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Những rủi ro này đã khiến chính sách tín dụng tập trung vào việc kiểm soát dòng vốn vào các lĩnh vực có nguy cơ cao như bất động sản. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong năm 2024, đã có những cải thiện tích cực. Lượng trái phiếu phát hành tăng đáng kể, đặc biệt là trái phiếu chính phủ với lãi suất hợp lý, giúp giảm chi phí huy động vốn cho đầu tư công. Đây là tín hiệu cho thấy những nỗ lực điều chỉnh của thị trường đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Trong bối cảnh toàn cầu, bà Dahyun Kang, Chuyên gia của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài chính xanh. Bà cho rằng Việt Nam cần tận dụng các công cụ tài chính như phát hành chứng khoán xanh, quản lý phát thải và huy động vốn quốc tế để thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là trách nhiệm quốc gia trong việc thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mà còn là cơ hội để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo bà Dahyun Kang, việc tăng cường hợp tác quốc tế và áp dụng công nghệ như blockchain để quản lý các dự án xanh sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn các nguồn lực tài chính. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình khi áp dụng thành công các chính sách chuyển đổi xanh, từ phát triển năng lượng tái tạo đến khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường. Việt Nam có thể học hỏi và điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế trong nước.

Liên quan đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Huệ cảnh báo một số thách thức như làm thế nào để có thể duy trì được các tiêu chí nâng hạng, sức ép lên điều hành chính sách tiền tệ khi thị trường tiếp nhận một dòng vốn lớn gián tiếp vào Việt Nam hay mức vốn đột ngột của khối ngoại có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính, an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Bà Huệ cho biết thời gian qua các vướng mắc liên quan đến việc nâng hạng thị trường đã được tháo gỡ, đặc biệt đã ban hành Thông thư số 68/2024/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và Quốc hội mới đây đã biểu quyết thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trong đó đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế bù trừ trung tâm.

Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong thời gian tới để có thể đáp ứng được các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán, cần thiết phải tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là liên quan đến việc ban hành các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật chứng khoán sửa đổi, đặc biệt là liên quan đến cái việc là sửa Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và các văn bản pháp luật có liên quan. Đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan gồm Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch Đầu tư để sửa đổi các quy định pháp lý, giảm thiểu các thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian mở tài khoản vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như là công bố và cập nhật tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa đối với các cái ngành nghề kinh doanh có điều kiện...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục