Động lực nào giúp chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập đỉnh lịch sử?

14:01' - 02/04/2021
BNEWS Thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước nâng tầm vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế, đã chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng cổ phiếu lớn nhất trong rổ chỉ số các thị trường cận biên.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước nâng tầm vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế, đã chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng cổ phiếu lớn nhất trong rổ chỉ số các thị trường cận biên. Ảnh minh họa: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Thị trường chứng khoán đã vượt đỉnh đầy thuyết phục với thanh khoản và điểm số tăng cao, khối ngoại cũng trở lại mua ròng nhẹ trong phiên đầu tháng 4. Đà tăng của thị trường kéo dài đến phiên ngày 2/4.
Theo đó, cuối phiên sáng 2/4,  VN-Index tăng lên vùng đỉnh mới 1.225 điểm. Đến phiên chiều, thị trường vẫn diễn biến rất tích cực, tại thời điểm 13 giờ 38 phút, chỉ số VN - Index đang ở mức 1.225,07 điểm.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam - VNSC, ông Đỗ Ngọc Bảo cho biết, những yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán vượt đỉnh thuyết phục đó là nền tảng kinh tế vĩ mô tăng trưởng rất tích cực.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ 2020, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020 (thời điểm trạng thái kinh tế bình thường).
Như vậy, quý II và III năm 2021 có lẽ tăng trưởng sẽ rất cao so với cùng kỳ năm ngoái. Do cùng kỳ năm ngoái kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Bên cạnh đó, tín dụng trong nền kinh tế được kiểm soát rất hiệu quả, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn rất hài hòa.
Giới chuyên gia lo ngại, lạm phát sẽ cao trở lại, tuy nhiên sau quý I thì có thể thấy lạm phát không hề cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2021 tăng chỉ 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua. Như vậy, gần như những lo ngại của nhà đầu tư được ngỡ bỏ và đó là những yếu tố quan trọng để kích dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán, dù cho VN - Index có thời gian khoảng 1 tháng loanh quanh vùng đỉnh 1.200 điểm.
Thị trường đã tích lũy quanh vùng đỉnh chặt chẽ, các cổ phiếu Blue chip (cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường) giảm khá sâu và đến phiên 1/4 mới tăng trở lại. Khi cổ phiếu trụ tích lũy mạnh mẽ và hồi phục đồng loạt tạo ra việc tăng đồng pha giúp thị trường vượt đỉnh thuyết phục.
Theo ông Ngọc, nền lãi suất hiện nay vẫn là thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Dù lãi suất khó có thể thấp hơn nữa, nhưng nếu vẫn ở nền tảng này cũng đã rất tốt cho nền kinh tế. Nếu có xu hướng tăng nhẹ trở lại thì cũng thể hiện một điều rằng, nền kinh tế đang hồi phục mạnh từ đáy.
“Tôi cho rằng trong năm nay lãi suất tăng là không quá lớn, với việc lãi suất vẫn giữ ở mức thấp thì cơ bản là các kênh tài sản vẫn hút được vốn.”

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho rằng, thị trường tăng trưởng do những triển vọng sáng của kinh tế vĩ mô mang lại.
Sau những khó khăn ban đầu do dịch COVID-19, các doanh nghiệp có thị trường nội địa đã nhanh chóng phục hồi và thích nghi trong điều kiện mới. Đây là bước đệm để các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm 2021 so với nền tảng thấp ở quý I và quý II năm 2020 và qua đó thị trường chứng khoán nhận được tác động tích cực.
Sau đợt phục hồi nửa cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, hệ số P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận) thị trường năm 2021 tăng lên mức 16 lần vào ngày 20/3/2021. Số liệu kinh tế 3 tháng đầu năm khá tích cực, không chỉ đến từ xuất khẩu (tăng 23% so với cùng kỳ) hay sản xuất công nghiệp mà đặc biệt là tổng mức bán lẻ hàng hóa sau khi loại trừ lạm phát cũng tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động xuất nhập khẩu sôi động và việc giữ nguyên trạng thái nâng hạng của thị trường chứng khoán, cùng đó là dòng tiền lớn vẫn tích cực tham gia thì việc vượt đỉnh của chỉ số VN - Index chỉ là vấn đề thời gian.
Việc khối ngoại bán ròng so với dòng tiền của khối nội là không đáng kể. Về bản chất thì chính sách tiền tệ vẫn đang nới lỏng giúp cho kênh chứng khoán và bất động sản hấp dẫn.
Thực tế, trong vài ngày trở lại đây, thanh khoản trên HOSE đã tăng và thanh khoản cả 3 sàn đã vượt hơn 20.000 tỷ đồng. Dòng tiền mạnh sẽ đẩy chỉ số đi lên.
Chỉ báo độ rộng thị trường đang cho thấy, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, cổ phiếu Blue chip đang vượt đỉnh mới, điều này phản ánh việc thị trường tiếp tục chinh phục các điểm cao mới từ 1.280 - 1.380 điểm trong năm 2021.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đánh giá nghẽn lệnh có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, về bản chất thì sự cố này chỉ ảnh hưởng tới giá trị giao dịch trên HOSE, chứ không ảnh hưởng nhiều tới xu thế tham gia của dòng tiền lớn.
Đánh giá về việc nhiều chuyên gia lo ngại mặt bằng lãi suất tăng lên, khiến dòng tiền vào chứng khoán giảm, ông Khánh cho hay, dù có thể tăng trở lại song lãi suất huy động sẽ khó tăng cao do đầu ra tín dụng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ.
“Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên chính sách nới lỏng tiền tệ ít nhất là đến cuối quý II/2021”, ông Khánh nhận định.

Theo báo cáo nhận diện cơ hội, rủi ro và giải pháp phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nền tảng kinh tế, tài chính ổn định của Việt Nam tạo lợi thế thu hút đầu tư vượt trội so với các thị trường mới nổi toàn cầu. Việt Nam là thị trường cận biên năng động nhất thế giới.
Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt mức 6,5-7% (theo dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV tháng 3/2021). Đây là mức tăng cao trong khu vực Đông Á. Kinh tế số chiếm 5% GDP năm 2020 và định hướng phát triển với quy mô tương đương 25% GDP vào năm 2025.
Việt Nam xếp thứ 12/66 quốc gia có chỉ số sức mạnh tài chính khá tốt (theo the Economist tháng 5/2020). Đồng thời, Việt Nam là một trong số ít quốc gia giữ vững và gần đây được nâng hạng tín nhiệm ở mức triển vọng “Tích cực” bởi Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước nâng tầm vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế và đã chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng cổ phiếu lớn nhất trong rổ chỉ số các thị trường cận biên (MSCI Frontier Markets Index đạt 30,64% cuối năm 2020); dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng 28,7%, lớn nhất trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index vào tháng 11/2021. Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi theo FTSE Russel năm 2023.
Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021… góp phần tăng tính công khai, minh bạch, cải thiện chất lượng hàng hóa; nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể thị trường chứng khoán. Việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư làm tăng niềm tin thị trường.
Cùng đó, các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí và giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán; cắt giảm các thủ tục hành chính… góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường chứng khoán và doanh nghiệp.
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cũng đánh giá, thị trường chứng khoán vẫn sẽ có môi trường thuận lợi để tăng trưởng.
Theo vị chuyên gia này, môi trường lãi suất thấp được dự báo sẽ vẫn được duy trì trong năm 2021. Ông cũng kỳ vọng sự trở lại của dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi(EM) trong đó có thị trường Việt Nam.
Việt Nam – một nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ trở thành điểm sáng thu hút sự quan tâm của dòng tiền ngoại trong năm 2021. Việt Nam nhiều khả năng sẽ thu hút được thêm dòng vốn ngoại vào thị trường để đón đầu xu thế nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Trong kịch bản Việt Nam được tổ chức FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ thu hút thêm được dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới.

Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC. Ảnh: Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Theo ước tính của BVSC, giá trị mua vào của các quỹ khi thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi hàng hai của FTSE có thể đạt tới 1,4 tỷ USD.

Ngoài ra, cũng không thể không đề cập đến tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự báo sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ từ nền thấp của năm 2020.

Theo dự báo 70 cổ phiếu niêm yết mà BVSC theo dõi, kết quả kinh doanh năm 2021 các doanh nghiệp này (chiếm trên 70% vốn hóa thị trường) có mức tăng trưởng về lợi nhuận lên tới 25,5% so với mặt bằng năm 2020, cao hơn 4,7% so với năm 2019 – thời điểm trước dịch.
Sự hồi phục trên diện rộng của các nhóm ngành trong năm 2021 dự kiến sẽ giúp cho mặt bằng P/E toàn thị trường quay về mức hợp lý, qua đó tiếp tục tạo được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục