Kinh tế tư nhân giúp gia tăng kết nối thương mại toàn cầu

15:23' - 07/11/2018
BNEWS Gần 400 đại biểu là đại diện chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới và giới chuyên gia đã tham dự Diễn đàn Kinh tế mới để thảo luận các giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Diễn đàn Kinh tế mới, do tập đoàn Bloomberg tổ chức tại Singapore trong hai ngày 6-7/11, nhằm thảo luận các giải pháp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân để gia tăng sự kết nối vững chắc cho thương mại toàn cầu.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Michael R. Bloomberg, người sáng lập tập đoàn Bloomberg, nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế mới nổi đã tạo ra những thách thức mới trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại, công nghệ, sở hữu trí tuệ, thị trường vốn và những thách thức xã hội chung như sức khỏe cộng đồng hay biến đổi khí hậu.

Ông Michael Bloomberg phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới, Singapore ngày 6/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong bối cảnh đó việc các chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để khu vực tư nhân tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình phát triển cũng như mở rộng liên kết hợp tác công-tư sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, mang lại nhiều cơ hội hưởng lợi hơn cho người dân.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Hank Paulson cũng thừa nhận công nghệ mới, thách thức kinh tế mới và thách thức địa chính trị mới đã làm xói mòn các khuôn khổ cũ, đòi hỏi sự cần thiết tạo ra một khuôn khổ mới để phù hợp với những biến đổi của kinh tế toàn cầu.

Ông Hank Paulson đặc biệt nhấn mạnh sự cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung hiện nay sẽ không mang lại "chiến thắng" cho bất kỳ bên nào, mà ngược lại sẽ gây tác động bất lợi theo kiểu "gậy ông đập lưng ông" cho cả hai bên.

Một báo cáo của Bloomberg công bố tại diễn đàn trên cho thấy kết quả khảo sát 2.000 chuyên gia kinh tế tại 20 thị trường đã chỉ ra hầu hết các ý kiến đều cho rằng hệ thống thương mại toàn cầu có thể được phục hồi, mặc dù chỉ trong dài hạn.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, chỉ có hơn một nửa số người được khảo sát (55%) cho biết họ tin rằng sẽ gia tăng thương mại toàn cầu hơn trong thời gian 5 năm tới.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng xung đột thương mại sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay từ 3,9% xuống còn 3,7%.

Rõ ràng với một nền kinh tế toàn cầu đang biến động không ngừng và bị tác động bởi nhiều yếu tố khó lường, trong đó nổi lên là cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung đã đặt ra nhiều thách thức.

Song giới phân tích cũng nhận định sự cam kết của chính phủ nhiều nước trong việc duy trì các cam kết hội nhập, thúc đẩy kinh tế tư nhân cùng với việc tăng cường hợp tác để giải quyết những thách thức chung như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng và tăng trưởng kinh tế trì trệ... sẽ góp phần phục hồi đà tăng trưởng thương mại toàn cầu trong tương lai.

>>>Khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong kinh tế Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục