Đồng Nai hoàn thành gần 100% chỉ tiêu thu hút vốn FDI cả năm

15:41' - 19/05/2021
BNEWS Từ khi có dịch COVID-19, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở nhiều địa phương sụt giảm nhưng tại Đồng Nai, việc thu hút vốn FDI vẫn khả quan và đến nay, tỉnh đã hoàn thành gần 100% chỉ tiêu cả năm.

Có được kết quả này là do nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường sản xuất kinh doanh ở Đồng Nai và tỉnh thực hiện tốt phương châm chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp.

Công ty Nestle Việt Nam (100% vốn Thụy Sỹ) mở nhà máy đầu tiên năm 1995, tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai.

Quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp này liên tục tăng vốn. Đến tháng 4 vừa qua, công ty tiếp tục đầu tư thêm 132 triệu USD (từ 270 triệu USD lên hơn 400 triệu USD) triển khai dự án sản xuất cà phê tại Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai.

Ông Carl Khoury, Giám đốc nhãn hàng cafe và thức uống Công ty Nestle Việt Nam cho biết, công ty Nestle Việt Nam có 4 nhà máy đặt ở Việt Nam; trong đó, riêng Đồng Nai có 3 nhà máy.

Trong chiến lược phát triển, doanh nghiệp coi Đồng Nai là trọng điểm, bởi đây có các khu công nghiệp với hạ tầng hoàn chỉnh, tiếp giáp với Tp. Hồ Chí Minh. Trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến quốc lộ, cao tốc đi qua, thuận tiện cho lưu thông hàng hóa.

Ông Carl Khoury nhấn mạnh, hơn 25 năm qua, Công ty Nestle Việt Nam không ngừng phát triển. Điều này một phần do Việt Nam cũng như Đồng Nai có môi trường đầu tư tốt, các thủ tục pháp lý rõ ràng, theo thông lệ quốc tế.

Quá trình sản xuất kinh doanh, nếu doanh nghiệp gặp những vướng mắc sẽ được chính quyền nhanh chóng giải quyết.

Cuối tháng 3/2021, Công ty Suheung Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) tăng vốn đầu tư thêm 30 triệu USD (từ 50 triệu USD lên 80 triệu USD), mở rộng nhà máy tại Khu công nghiệp Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Theo lãnh đạo công ty, khó khăn ban đầu, lớn nhất khi doanh nghiệp đầu tư vào một nước thứ 2 là hiểu chưa đầy đủ về các tập quán của địa phương, chưa nắm được hết các quy định pháp luật.

Quá trình đầu tư ở Đồng Nai, doanh nghiệp nhận thấy người lao động chăm chỉ, sinh hoạt văn hóa có những nét tương đồng với người Hàn Quốc.

Công ty được các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ rất nhiều khi làm các thủ tục liên quan đến môi trường, xây dựng; chính quyền triển khai nhiều giao dịch điện tử trong các lĩnh vực như thuế, đăng ký kinh doanh, bảo hiểm. Chính những điều này là tiền đề giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2021 đến nay, Đồng Nai thu hút được 66 dự án FDI, với tổng số vốn hơn 680 triệu USD, trong khi đó, kế hoạch thu hút FDI cả năm 2021 của tỉnh khoảng 700 triệu USD.

Các dự án chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực Đồng Nai ưu tiên thu hút đầu tư như: công nghiệp hỗ trợ, máy móc thiết bị, chế biến sâu nông sản. Lũy kế đến nay, tỉnh có gần 1.400 dự án FDI của nhà đầu tư đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn 27 tỷ USD.

Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai cho rằng, điểm nổi bật trong thu hút đầu tư của Đồng Nai là có rất nhiều nhà đầu tư mở thêm nhà máy mới.

Trong 66 dự án FDI mà tỉnh thu hút được, có trên 45 dự án tăng tăng vốn với số vốn tăng thêm hơn 460 triệu USD.

Để đạt được thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh thực hiện theo phương châm quan tâm đến nhà đầu tư đang có dự án ở địa phương, giải quyết các thủ tục nhanh gọn, đúng luật.

Đồng Nai xác định, nhà đầu tư nước ngoài đang có dự án trên địa bàn tỉnh là cầu nối – giới thiệu, quảng bá những mặt tích cực cho các nhà đầu tư khác (ở nước bạn).

Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chính quyền Đồng Nai đánh giá cao sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Các dự án FDI đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh luôn xác định vốn FDI là một trong những nguồn lực chính để phát triển.

Đồng Nai cam kết tạo mọi điều kiện, chào đón các nhà đầu tư, nhưng chủ trương của tỉnh là thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; hạn chế các dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Cao Tiến Dũng chia sẻ thêm, Đồng Nai đã xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Tới đây, tỉnh sẽ tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các đô thị hiện đại, đầu tư mạnh cho giáo dục, y tế.

Đây là những yếu tố rất cần thiết, bởi nhà đầu tư đến Đồng Nai không chỉ nhằm kiếm lợi nhuận, mà còn để sống, hưởng thụ một cuộc sống tốt đẹp.

Theo ông Cao Tiến Dũng, trên địa bàn Đồng Nai đang có nhiều dự án hạ tầng, giao thông đang và sẽ triển khai như: sân bay Long Thành; cao tốc Bến Lức – Long Thành; Phan Thiết – Dầu Giây; Biên Hòa – Vũng Tàu, Dầu Giây – Liên Khương.

Dự báo, thời gian tới, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục “đỗ” mạnh vào Đồng Nai. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, tỉnh đang chú trọng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu đô thị, thương mại, dịch vụ để phát huy lợi thế.

Qua đó, thú hút những tập đoàn, doanh nghiệp FDI có tiềm lực lớn về công nghệ, tài chính đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và chiến lược tăng trưởng xanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục