Đông Nam Á – thị trường chủ chốt giúp Nhật Bản đạt mục tiêu du lịch năm 2030

13:07' - 03/06/2019
BNEWS Nhật Bản đang đặt mục tiêu đạt 60 triệu lượt khách du lịch vào năm 2030, trong đó khách du lịch đến từ các nước Đông Nam Á được cho sẽ là nhân tố chính giúp Nhật Bản thực hiện mục tiêu này.
Du lịch Thái Lan là lựa chọn tuyệt vời trong dịp hè này. Ảnh: Indochina Tours

Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), khách du lịch tới nước này từ các quốc gia Đông Nam Á đang có mức tăng trưởng rất ấn tượng, trong khi khách du lịch từ các nước Đông Á dù chiếm 73% tổng lượng du khách đến Nhật Bản song có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.

Năm 2018, lượng khách du lịch tới Nhật Bản từ Việt Nam đã tăng tăng 26%, từ Philippines (Phi-líp-pin) tăng 19%. Đặc biệt, lượng khách du lịch từ Thái Lan tới Nhật Bản đã vượt 1 triệu lượt người. “Dư địa” du lịch tại các nước Đông Nam Á được cho còn rất lớn, bởi theo tính toán của ngân hàng Mizuho Nhật Bản, nếu quốc gia có bình quân tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người đạt hơn 5.000 USD/năm, số lượng người dân đi du lịch nước ngoài của quốc gia đó sẽ tăng mạnh.

Năm 2011, Trung Quốc đạt GDP bình quân đầu người hơn 5.000 USD và những năm sau đó lượng khách du lịch nước ngoài từ quốc gia này đã tăng nhanh chóng. Chỉ trong giai đoạn 2011 - 2018, lượng khách du lịch Trung Quốc tới Nhật Bản đã tăng gấp 8 lần; trong khi trước đó từ chỉ tăng 70% trong giai đoạn 2004 – 2011.

Thái Lan năm 2010 cũng đạt GDP bình quân đầu người 5.000 USD, sau đó số lượng khách du lịch từ nước này tới Nhật Bản đã tăng nhanh lên mức hơn 1,13 triệu người năm 2018.

Tại Đông Nam Á, Singapore (Xin-ga-po) và Thái Lan đã đạt GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD và dự kiến Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Philippines, Việt Nam sẽ hướng tới mốc này trong thời gian tới. Quỹ Tiền tế Quốc tế (IMF) dự đoán Indonesia sẽ đạt mốc trên 5.000 USD vào năm 2022, Philippines đạt mức 4.696 USD vào năm 2024. Việt Nam năm 2018 có GDP bình quân đầu người đạt 2.551 USD, dự kiến đến năm 2024 sẽ đạt 3.931 USD. Như vậy, trong giai đoạn 2020-2030, lượng khách du lịch từ những quốc gia này tới Nhật Bản khả năng sẽ tăng mạnh.

Báo cáo của Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UNWTO) cũng chỉ rõ tiềm năng khách du lịch của các quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, lượng du khách nước ngoài từ các nước Đông Nam Á sẽ tăng mạnh so với năm 2010 lên mức 187 triệu lượt người.

Đáng chú ý, không chỉ có số lượng du khách tăng nhanh mà chi tiêu của khách du lịch tới Nhật Bản từ những quốc gia Đông Nam Á cũng đang hướng tới vị trí dẫn đầu. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản (JTA), trong quý I/2019, tổng chi tiêu của khách du lịch đến từ Việt Nam đang đứng thứ 2 với 54.000 yen (500 USD)/người, sau Trung Quốc với 100.000 yen/người. Chi tiêu của khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản quý 1/2019 đã tăng tới 22% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng trung bình 3% tính trên toàn bộ khách du lịch tới Nhật Bản.

Trong khi đó, chi tiêu của du khách đến từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan là 40.000 yen và Philippines là 30.000 yen, vượt qua cả con số khoảng 20.000 yen của các du khách đến từ các nền kinh tế phát triển có thu nhập cao như Mỹ và châu Âu. Nguyên nhân được cho là tại các nước phát triển, người dân có thể dễ dàng mua được hàng hóa chất lượng cao, trong khi tại các nước đang phát triển, thường khó mua được hàng hóa chất lượng cao với giá cả phù hợp.

Nhằm thúc đẩy khách du lịch từ các nước Đông Nam Á, dựa trên nghiên cứu về tỷ lệ và thời lượng truy cập mạng xã hội như Facebook, Instagram, JNTO đã xây dựng các trang mạng xã hội Facebook, Instagram dành riêng cho từng nước Đông Nam Á để cung cấp thông tin, cũng như quảng bá du lịch Nhật Bản.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục