Đồng ringgit Malaysia "lội ngược dòng", dẫn đầu thị trường tiền tệ thế giới

08:22' - 26/09/2024
BNEWS Đồng RM đã tăng vọt lên mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 3/2022, sau khi Mỹ quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và tiếp tục đà tăng bắt đầu vào tháng 1/2024.

Trang Malaymail cho biết đồng nội tệ ringgit (RM) của Malaysia đã tăng lên mức cao nhất trong 30 tháng qua. Tỷ giá hối đoái quy đổi ghi nhận ngày 20/9 là 4,1815 RM/USD và đồng RM được đánh giá là đồng tiền có hiệu suất tốt nhất thế giới khi kết thúc tuần giao dịch vừa qua nhờ tác động của đợt cắt giảm lãi suất lớn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm thị trường phấn khích.

Đồng RM đã tăng vọt lên mức cao nhất so với đồng USD kể từ tháng 3/2022, sau khi Mỹ quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và tiếp tục đà tăng bắt đầu vào tháng 1/2024. Tính đến thời điểm này, RM đã lấy lại được hơn 11% giá trị so với USD.

Điều gì đẩy đồng ringgit tăng giá?

Đợt tăng gần đây nhất chủ yếu của đồng ringgit là do đợt cắt giảm lãi suất chính sách của Fed. Nhưng đồng ringgit đã mạnh lên so với USD kể từ tháng 1/2024, điều mà các nhà phân tích cho là do sự tin tưởng ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào nền kinh tế Malaysia khi các khoản đầu tư nước ngoài thúc đẩy nhu cầu về đồng tiền này.

Các cải cách tài chính bao gồm việc hiệu chỉnh lại trợ cấp dầu diesel có thể đảm bảo cam kết của chính phủ trong việc thu hẹp thâm hụt trong khi các kế hoạch kinh tế lớn như Lộ trình chuyển đổi năng lượng và Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới đã thúc đẩy dòng vốn chảy vào các công ty trong nước.

Tháng 8/2024, Bloomberg đưa tin rằng các quỹ toàn cầu đã đổ gần nửa tỷ ringgit vào cổ phiếu Malaysia tính đến tháng Tám năm nay. Một số nhà phân tích cũng cho rằng hiệu suất mạnh mẽ của đồng tiền này là nhờ sự lãnh đạo chính trị ổn định, vì Thủ tướng Anwar Ibrahim đã xoa dịu được nỗi lo rằng chính phủ liên minh của các đảng phái chính trị bao gồm các đối thủ cũ của ông có thể tan rã, duy trì sự nguyên trạng cho đến ngày nay. Một chính phủ ổn định có nghĩa là các nhà đầu tư không cần lo lắng về sự gián đoạn đối với các chính sách và dự án khi họ lập kế hoạch đầu tư.

So sánh với các loại tiền tệ khác

Hiệu suất của đồng RM là một bất ngờ đối với các nhà phân tích vì đồng tiền này vốn nằm trong số các loại tiền tệ có hiệu suất kém trong năm 2023. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Malaysia vẫn khẳng định rằng sự trượt giá của RM vào năm ngoái không phản ánh sức mạnh thực sự của nền kinh tế Malaysia và họ đã dự đoán rằng đồng tiền này sẽ cải thiện vào năm nay.

So sánh với các đồng tiền này khác trong rổ tiền tệ, bao gồm đồng euro và đô la Singapore (SGD). Ngày 20/9, RM đã tăng so với đồng euro lên 4,6878-4,6950/euro và tăng nhẹ so với SGD lên 3,2507-3,2559/SGD. Tính chung từ đầu năm đến nay, RM đã tăng hơn 5% giá trị so với SGD. Đồng tiền này cũng đã cải thiện hơn 12% so với đô la Canada, gần 9% so với đồng yen Nhật và hơn 5% so với đô la Australia.

Ai sẽ được hưởng lợi?

Các nhà nhập khẩu lớn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ đồng RM mạnh. AmInvestment Bank Research cho biết trong một lưu ý hồi tháng Tám rằng, đồng RM mạnh hơn có thể làm giảm chi phí cho hàng hóa nhập khẩu được định giá bằng đồng USD mặc dù phải mất vài tháng trước khi tác động tích cực được cảm nhận vì cổ phiếu không được định giá theo tỷ giá thị trường giao ngay.

Một lưu ý tương tự dự báo thu nhập lạc quan cho các công ty như Berjaya Food, Nestle và nhà sản xuất sản phẩm sô cô la Guan Chong Sdn Bhd, những công ty phụ thuộc vào đồng USD để mua nguyên liệu thô. Nhưng chưa rõ điều này có chuyển thành giá thực phẩm rẻ hơn hay không.

Đồng RM mạnh cũng sẽ giảm bớt một số áp lực cho các công ty có khoản nợ lớn bằng đồng USD. Malaysia Airports Holdings Bhd, MISC Bhd, Sime Darby Plantation Bhd và Axiata Group Bhd nằm trong số các công ty đã huy động nợ bằng USD và các loại ngoại tệ  khác.

Tuy nhiên, có điều bất lợi là RM mạnh hơn sẽ khiến các nhà xuất khẩu Malaysia kém hấp dẫn hơn đối với người mua.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục