Fed báo hiệu kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ

17:57' - 19/09/2024
BNEWS Quyết sách mới cho thấy Fed bắt đầu khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sau đợt thắt chặt kéo dài kể từ đại dịch COVID-19.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 đã giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm và báo hiệu rằng sẽ có thêm nhiều lần cắt giảm nữa trong năm nay và năm tới. Quyết sách mới cho thấy Fed bắt đầu khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sau đợt thắt chặt kéo dài kể từ đại dịch COVID-19.

*Nỗ lực “sửa sai”

Lần giảm lãi suất đầu tiên của Fed trong hơn bốn năm đã đưa lãi suất quỹ liên bang xuống 4,75-5%. Mức giảm 0,5 điểm phần trăm cho thấy Fed đang tìm cách ngăn chặn sự suy yếu của nền kinh tế và thị trường lao động, sau hơn một năm duy trì lãi suất ở mức cao nhất kể từ năm 2001. Lần gần nhất Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm là khi đại dịch tàn phá nền kinh tế toàn cầu vào năm 2020.

Một số nhà phân tích cho rằng quyết định lần này của Fed đã thể hiện những lo ngại về nền kinh tế. Ông Jack Manley, chiến lược gia thị trường toàn cầu của công ty quản lý tài sản JPMorgan Asset Management, nhận định tình hình hiện tại đang rất “mờ mịt”, khi các dữ liệu vĩ mô không được rõ ràng. Theo ông, Fed đang nhìn vào nền kinh tế hiện tại để đưa ra nhận định rằng ngân hàng này đã đạt được tiến triển hơn dự đoán về lạm phát, nhưng ông cho rằng thị trường lao động đang bắt đầu suy yếu và có thể trở nên tồi tệ hơn. Với ông Manley, “đó không phải là một dấu hiệu tốt".

Chủ tịch Fed cho biết nếu ngân hàng này nhận được báo cáo việc làm tháng Bảy của Bộ Lao động Mỹ trước khi cuộc họp chính sách diễn ra cùng tháng, ngân hàng này có thể đã bắt đầu giảm lãi suất từ thời điểm đó.

Báo cáo việc làm tháng Bảy của Bộ Lao động, được công bố vài ngày sau cuộc họp ngày 30-31/7 của Fed, cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% và tăng trưởng việc làm chậm lại.

Nói về quyết định chính sách mới nhất của Fed, ông Oscar Munoz, chuyên gia kinh tế của TD Securities cho rằng: “Có vẻ như Fed muốn bù đắp cho việc không giảm lãi suất vào tháng Bảy".

Đồng quan điểm, ông Ryan Sweet, chuyên gia kinh tế trưởng tại Mỹ của Oxford Economics, cho biết Fed không thích thừa nhận đã có những sai lầm về chính sách, nhưng quyết định cắt giảm mạnh tay trong lần đầu tiên như thế này một phần có thể là để bắt kịp với diễn biến của thị trường vì Fed nhận thấy đã giảm lãi suất muộn mất một kỳ họp.

Tuy nhiên, ông Powell cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng mình đang chậm trễ (trong việc giảm lãi suất)", và quyết định hạ lãi suất nói trên là dấu hiệu cho thấy Fed cam kết sẽ không chậm chân.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định: "Kinh tế đang trong trạng thái tốt và quyết định của chúng tôi hôm nay nhằm duy trì trạng thái đó". Ông cho biết sự điều chỉnh lập trường chính sách này của Fed sẽ giúp duy trì sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho những tiến triển hơn nữa về lạm phát, khi Fed bắt đầu quá trình chuyển sang một lập trường trung lập hơn.

Nhưng ông Powell cho biết lãi suất sẽ không đi theo một con đường "định sẵn”. Ông nhấn mạnh nếu lạm phát vẫn dai dẳng, Fed có thể nới lỏng chính sách “chậm rãi hơn”, và ngân hàng này trung ương " sẵn sàng hành động" nếu thị trường lao động bất ngờ suy yếu.

*Kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ

Quyết định ngày 18/9 là một cột mốc quan trọng đối với Fed sau hơn hai năm quyết liệt chống lạm phát. Và đó cũng là một thời điểm quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay khi hai ứng viên có phản ứng trái ngươc.

Bình luận về việc này, bà Kamala Harris tuyên bố “trong khi đây là tin đáng hoan nghênh cho người dân Mỹ, những người đang phải chịu đựng gánh nặng của giá cả leo thang”, bà sẽ tiếp tục tập trung vào ưu tiên kéo giá cả đi xuống trong thời gian tới. Ngược lại, khi nhận định về quyết định mới nhất của Fed, ông Donald Trump khẳng định đây là một mức cắt giảm lớn, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang “rất tệ” hoặc động thái này của Fed mang màu sắc chính trị.

Về phía mình, Tổng thống Joe Biden hoan nghênh động thái nói trên của Fed, gọi đây là một “thời khắc quan trọng”, khi lạm phát và lãi suất đang giảm xuống trong khi nền kinh tế vẫn "khỏe mạnh".

Phần lớn các quan chức Fed dự đoán lãi suất chính sách sẽ giảm xuống 4,25-4,5% vào cuối năm 2024, tức là sẽ có thêm một lần giảm 0,5 điểm phần trăm nữa tại một trong hai cuộc họp còn lại trong năm nay hoặc hai lần giảm 0,25 điểm phần trăm. Hai trong số 19 quan chức Fed cho rằng Fed nên tạm dừng sau đợt giảm lãi suất này, trong khi bảy quan chức khác dự đoán sẽ chỉ có thêm một lần giảm 0,25 điểm phần trăm nữa trong năm nay.

Các nhà hoạch định chính sách cũng dự đoán lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2025, qua đó kết thúc năm sau ở mức 3,25-3,5%. Đến cuối năm 2026, lãi suất được dự đoán sẽ giảm xuống dưới 3%.

Việc cắt giảm diễn ra khi các quan chức Fed ngày càng tự tin rằng lạm phát đang được kiểm soát và chuyển trọng tâm sang thể trạng của thị trường lao động. Sau khi đạt đỉnh ở mức khoảng 7% vào năm 2022, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) chỉ ở mức 2,5% vào tháng Bảy, gần hơn với mục tiêu 2% của Fed.

Nhưng tăng trưởng việc làm đã giảm tốc trong những tháng gần đây và các thước đo nhu cầu khác, như vị trí việc làm còn trống, cũng đã chậm lại, mặc dù số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn ở mức thấp lịch sử. Fed đã nói rõ rằng họ không muốn thấy thị trường lao động suy yếu hơn nữa, trước  những lo ngại rằng họ đã chờ quá lâu để “nới tay” với nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất.

Trong các dự báo được công bố ngày 18/9, hầu hết các quan chức Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ đạt đỉnh ở mức 4,4% trong hai năm tới, tăng từ mức hiện tại là 4,2% và cao hơn ước tính được đưa ra hồi tháng Sáu. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế được dự đoán sẽ ổn định ở mức 2% trong vài năm tới.

Các quan chức cũng dự báo một bối cảnh lạm phát khả quan hơn, với chỉ số PCE được dự đoán giảm xuống mức mục tiêu vào năm 2026. Mức ước tính trung bình cho lạm phát "cốt lõi", không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã được điều chỉnh giảm xuống 2,6% trong năm nay, trước khi giảm xuống 2,2% và 2% trong hai năm tới.

Quyết định lần này của Fed không chỉ khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ của nước này sau hơn hai năm chống lạm phát, mà nó còn thúc đẩy xu hướng hạ lãi suất trên toàn cầu. Chỉ vài giờ sau khi Fed hạ lãi suất, Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) (HKMA) đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau bốn năm, với mức giảm 0,5 điểm phần trăm xuống còn 5,25%.

Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng trung ương tại các quốc gia vùng Vịnh, bao gồm Saudi Arabia (A-rập Xê-út), Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Bahrain (Ba-ranh), Kuwait (Cô-oét) và Qatar (Ca-ta), cũng đã cắt giảm lãi suất chủ chốt sau quyết định Fed.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục