Động thái mới giải quyết khủng hoảng thanh toán thương mại điện tử tại Hàn Quốc

13:15' - 01/08/2024
BNEWS Trang mua sắm trực tuyến Wemakeprice đã gửi thông tin liên quan tới việc giao các mặt hàng đến Cổng thanh toán điện tử (PG), nhằm giải quyết khủng hoảng thanh toán thương mại điện tử tại Hàn Quốc.

Liên quan đến khủng hoảng thanh toán của hai trang thương mại điện tử lớn nhất Hàn Quốc, ngày 31/7, trang mua sắm trực tuyến Wemakeprice đã gửi thông tin liên quan tới việc giao các mặt hàng, không bao gồm phiếu quà tặng và gói tour du lịch, đến Cổng thanh toán điện tử (PG), nhằm giải quyết vụ việc các khách mua hàng và doanh nghiệp bán trên nền tảng này đang chịu thiệt hại do không được hoàn lại tiền mua hoặc thanh toán tiền bán.

 

Trang mua sắm Tmon cũng dự kiến gửi thông tin tương tự trong ngày 1/8.

Từ cuối tuần trước, các cổng thanh toán điện tử đã bắt đầu nhận yêu cầu hủy thanh toán từ người mua, nhưng vẫn chưa thực hiện các bước hoàn tiền thực tế do chưa xác nhận được hai trang mua sắm trực tuyến này thực sự không giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ.

Để đẩy nhanh tốc độ hoàn tiền cho người tiêu dùng, Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc ngày 30/7 đã thiết lập một đội kiểm tra đặc trách tại trụ sở công ty để thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến thông tin giao hàng từ Wemakeprice và Tmon. Cơ quan tài chính sẽ hướng dẫn các cổng thanh toán PG để bắt đầu quy trình hoàn tiền ngay khi xác nhận được thông tin giao hàng.

Cơ quan tài chính dự đoán ngay cả khi tiếp nhận thêm các yêu cầu hủy thanh toán, tổng giá trị thiệt hại của người tiêu dùng sẽ rơi vào khoảng 55 tỷ won (40,1 triệu USD). Do đó, số tiền mà các PG cần phải tạm ứng để chi trả khách hàng cho đến khi nhận lại từ Wemakeprice và Tmon ước tính khoảng 50 tỷ won (36,5 triệu USD).

Trong một tin liên quan, Viện Kiểm sát khu vực Trung Seoul ngày 1/8 đã tiến hành khám xét trụ sở chính Tmon và Wemakeprice, nhà riêng Giám đốc điều hành Ku Young-bae của Qoo10, công ty mẹ của hai sàn thương mại điện tử trên.

Tmon và Wemakeprice bị cáo buộc đã duy trì hợp đồng giao dịch với các doanh nghiệp đối tác, dù biết rằng khó có thể thanh toán kịp thời do gặp khó khăn tài chính. Ban lãnh đạo của hai trang mua sắm trực tuyến này cũng bị cáo buộc sử dụng tiền thanh toán của người tiêu dùng hoặc tiền phải trả cho những người bán hàng vào mục đích khác trong quá trình mở rộng kinh doanh quá mức.

Ngày 30 và 31/7, cơ quan công tố đã tiếp nhận nhiều đơn tố giác đối với Giám đốc Ku Young-bae của Q10 - một nền tảng thương mại điện tử Đông Nam Á có trụ sở chính tại Singapore - về nghi ngờ lừa đảo, biển thủ, tham ô. Viện Kiểm sát đã vào cuộc điều tra vụ việc hai sàn thương mại điện tử Tmon và Wemakeprice chậm thanh toán quy mô lớn kéo dài.

Trước đó, WeMakePrice thông báo đã hoàn tất việc hoàn tiền cho 2.000 khách hàng yêu cầu hoàn tiền. Giám đốc điều hành WeMakePrice Hwa-Hyeon Ryu ngày 25/7 đã ra thông báo sẽ nỗ lực xoa dịu sự lo lắng của khách hàng và tiểu thương, tiếp tục thanh toán nhằm giảm nhẹ thiệt hại. Tuy nhiên, lãnh đạo cả hai trang mạng điện tử này đều thừa nhận việc hoàn tiền thanh toán chậm trễ do tình hình tài chính khó khăn hiện tại và việc kết nối với các bên thanh toán không thuận lợi.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục