Đồng Tháp chú trọng nguồn lực phát triển thương mại biên giới

19:26' - 22/08/2022
BNEWS Ngày 22/8, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện kết luận về phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Đồng Tháp có huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và thành phố Hồng Ngự giáp với Campuchia, hiện nay được Nhà nước đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 20,5% tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh, để thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực biên giới.

Theo ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho khu vực biên giới thực hiện một số dự án kè An Lạc; Dự án Nâng cấp, cải tạo kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng; dự án sạt lở sông Sở Thượng; các nguồn vốn đang tiếp tục hỗ trợ dự án Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Dinh Bà - Hồng Ngự; Đê bao Sa Rài, Khu kinh tế Quốc phòng; Nâng cấp Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự; hệ thống thoát nước, khu xử lý nước thải thành phố Hồng Ngự; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Tỉnh Đồng Tháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các vùng lân cận và phía bạn Campuchia để tạo động lực phát triển khu vực biên giới. Hiện nay, dự án Quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự giai đoạn 2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; đoạn Hồng Ngự - Dinh Bà đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán với mức đầu tư khoảng 820 tỷ đồng.

Các công trình giao thông trọng điểm đang triển khai tại các huyện, thành phố khu vực biên giới: đang thực hiện dự án Phà Tân Châu - Hồng Ngự (bờ Hồng Ngự) đã hoàn thành đưa vào khai thác; dự án nâng cấp tuyến ĐT.841 và xây dựng mới cầu Sở Thượng 2 đã hoàn thành phần nâng cấp đường ĐT.841 hiện trạng; các dự án Nâng cấp mở rộng tuyến ĐT.842, tuyến  ĐT.845 đoạn Trường Xuân - Tân Phước và cầu Tân Thành B trên tuyến ĐT.843 đang triển khai thi công dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025… 

Về lĩnh vực công nghiệp, ông Nguyễn Văn Luận, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp thông tin, hiện tại đầu tư điện cho vùng biên giới tổng chiều dài của các đường dây trung thế 22kV cấp điện trên khu vực là 429,15 km; đường dây hạ thế có tổng chiều dài trên khu vực là 635,48 km… nguồn điện đảm bảo cung ứng kịp thời cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt cho người dân biên giới, sử dụng điện đạt 99,98%.

Tỉnh Đồng Tháp đang tập trung triển khai thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, dược phẩm, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ cao tại khu vực biên giới.

Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển 3 cụm công nghiệp mới trên địa bàn gồm: cụm công nghiệp Khởi nghiệp tại thành phố Hồng Ngự, cụm công nghiệp Thường Phước tại huyện Hồng Ngự, Cụm công nghiệp Tân Thành B tại huyện Tân Hồng và các khu, cụm công nghiệp với quy mô và ngành nghề phù hợp thế mạnh của các địa phương.

Tỉnh đã hoàn thành cơ bản hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp và các cửa khẩu phục vụ cho phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại biên giới. Tỉnh cũng chú trọng phát triển đồng bộ hệ thống chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, đến nay, khu vực biên giới có 01 siêu Thị Coopmart Hồng Ngự, 31 chợ, 6 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động.

Cùng đó, chú trọng phát triển thương mại biên giới, đã xây dựng Kế hoạch Phát triển thương mại biên giới giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn để thương nhân và cư dân biên giới thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá qua biên giới đúng quy định pháp luật.

Với việc đầu tư tốt, cho nên trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới ước đạt 158 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu qua biên giới chủ yếu là cá sống, dầu thực vật, thức ăn chăn nuôi các loại, phân bón các loại, trái cây… hàng hóa nhập khẩu là lúa, xoài, đường tinh luyện.

Tỉnh Đồng Tháp đã phát huy tiềm năng kinh tế, huy động nguồn lực đầu tư thúc đẩy phát triển toàn diện khu vực biên giới; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông quan trọng kết nối với các vùng lân cận và phía bạn Campuchia để tạo động lực cho cả khu vực biên giới.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp trở thành khu kinh tế tổng hợp gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm, ngư nghiệp; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh cũng hoàn thành việc bổ sung cặp cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) - KohRoKa (Prây-veng) được bổ sung vào Nghị định thư vận tải đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia; hoàn chỉnh hồ sơ nâng cấp cửa khẩu chính Mộc Rá; triển khai cắm biển báo khu vực cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà….

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Huỳnh Minh Tuấn đề nghị các sở, ngành tỉnh và địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả phát triển toàn diện khu vực biên giới, liên quan đến các nội dung về tầng cao xây dựng, cơ chế chính sách đặc thù cho khu vực biên giới, nâng cấp cửa khẩu biên giới... Các sở, ngành tỉnh liên quan tham mưu UBND tỉnh có kiến nghị và giải pháp phù hợp; các địa phương khu vực biên giới có báo cáo định kỳ hằng quý về triển khai dự án đầu tư tư nhân trên địa bàn để tỉnh tháo gỡ kịp thời khi có vướng mắc. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục