Đồng Tháp: Năng suất vụ lúa Hè Thu tăng 5,6 tạ/ha

09:27' - 27/06/2023
BNEWS Vụ lúa Hè Thu năm 2023, tỉnh Đồng Tháp xuống giống 184.758 ha/186.900 ha, đạt 98,9% so với kế hoạch, lúa chủ yếu đang giai đoạn mạ - trổ chín.

Diện tích đã thu hoạch 67.702 ha, năng suất 69,6 tạ/ha, tăng hơn cùng kỳ năm 2022 là 5,6 tạ/ha.

Ông Huỳnh Tất Đạt – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, vụ lúa Hè Thu 2023 ở Đồng Tháp thực hiện cơ cấu giống có xu hướng dịch chuyển từ giống có chất lượng thấp sang trồng các loại giống có chất lượng cao, nếp và tập trung 16 nhóm giống chính, năng suất cao như: Đài thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 4900, OM 6976, OM 7347, Jasmine 85, AG PPS 114, OM 9582, VD 20, lúa Nhật, Nàng hoa 9; giống lúa thường có IR 50404, Butyn và 2 giống nếp Long An IR 46-25, giống nếp AG OM2008… qua đó giúp nông dân cho năng suất lúa đạt cao.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, ở xã Phú Điền, huyện Tháp Mười cho biết, gia đình của ông sản xuất hơn 2 ha lúa Hè Thu, sử dụng giống lúa OM 5451 cho năng suất hơn 75 tạ/ha, tăng hơn 8 tạ/ha so với năm 2022.

 

Ông Giàu cho biết, năng suất lúa Hè Thu năm nay cao hơn năm 2022 là do thời tiết rất thuận lợi trong thời gian gieo hạt, ít giông bão, lúa ít bị đổ ngã, bón phân cân đối và sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất đã kịp thời gieo sạ sớm và sử dụng phương tiện không người lái phun phân, thuốc đều trên mặt ruộng, đồng thời sử dụng giống tốt từ vụ Đông Xuân.

Năng suất cao ngay từ đầu vụ lúa Hè Thu năm 2023, là  bởi tỉnh Đồng Tháp hình thành những vùng sản xuất quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ, thông qua hợp tác xã và tổ hợp tác thúc đẩy sản xuất theo hướng bền vững.

Trên cây lúa, các công ty, thương lái thực hiện liên kết tiêu thụ theo mô hình sản xuất quy mô lớn. Địa phương tăng cường hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Việc liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam, nông dân được công ty thu mua cao hơn so với giá thị trường gần 1.000 đồng/kg.

Hơp tác xã có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Nông dân tham gia mô hình thực hiện cơ giới hóa toàn diện từ khâu xuống giống, chăm sóc đến khâu thu hoạch; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến; tạo được vùng nguyên liệu cho các công ty tiêu thụ lúa.

Qua việc liên kết tiêu thu lúa, nông dân có lợi nhuận cao hơn từ 3 - 8 triệu đồng/ha so với diện tích sản xuất lúa không liên kết, đồng thời cho năng suất cao hơn ngoài mô hình.

Để lúa đạt chất lượng và sản lượng cao, ở huyện Tam Nông có mô hình hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP) ở xã Phú Thành B với giống lúa Jasmine 85, có liên kết cung cấp vật tư, lúa giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm với Tập đoàn Lộc Trời. Phương thức liên kết, khi thu mua lúa đạt tiêu chuẩn SRP, tập đoàn cộng thêm 800 đồng so với giá thị trường.

Vụ lúa Hè Thu 2023, nông dân Đồng Tháp đã chú ý đến chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá, tạo điều kiện chuyển dịch lao động ra khỏi nông nghiệp. Điều quan trọng là nông dân từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Mô hình sản xuất theo chuỗi lúa gạo an toàn đã và đang thu hút nhiều nông dân tham gia, góp phần xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu lúa, gạo chất lượng, cho năng suất cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục