Đồng Tháp rà soát vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công

15:11' - 25/10/2022
BNEWS Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành, địa phương xem đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, quyết tâm thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 100%.

Đến cuối năm 2022 UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh là chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm hơn nữa, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

 

Tỉnh quyết tâm đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% đến cuối năm 2022.

Tính đến đầu tháng 10/2022, toàn tỉnh giải ngân được trên 3.138,551 tỷ đồng/5.906,852 tỷ đồng, đạt 53,13%, cao hơn 16,08% so với cùng kỳ. Đối với UBND cấp huyện triển khai tương đối tốt và tỷ lệ giải ngân đạt cao như: thành phố Sa Đéc đạt 80,13%, huyện Tam Nông đạt 69,33%, thành phố Hồng Ngự đạt 68,15%...

Tuy nhiên, ở cấp tỉnh, kết quả giải ngân đạt thấp, có 13 đơn vị giải ngân dưới 50%; trong đó có một số đơn vị giải ngân chỉ đạt từ 5% đến dưới 20%. Nguyên nhân là do chưa được bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu các sở, ngành và địa phương xem đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, dành sự quan tâm đúng mức, quyết tâm thực hiện mục tiêu giải ngân đạt 100%.

Trên tinh thần đó, các chủ đầu tư cần tiếp tục rà soát những vướng mắc của các công trình đang triển khai để kịp thời kiến nghị tháo gỡ. Đồng thời, rà soát, chuẩn bị các dự án đầu tư năm 2023…

Vừa qua các chủ đầu tư báo cáo tiến độ thực hiện, những khó khăn trong quá trình thi công, trong đó chủ yếu là vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn cát...

Những điểm mấu chốt trong thực hiện dự án có ảnh hưởng lớn đến giải ngân vốn. Với khối lượng công việc còn lại đến cuối năm là rất lớn, do đó, UBND tỉnh đề nghị các chủ đầu tư xây dựng lộ trình thực hiện và phải tăng tốc, tăng thời gian thi công.

Hạn chế, khó khăn trong đầu tư công là không mới, quan trọng vẫn ở trách nhiệm, nỗ lực của người đứng đầu, đề nghị chủ đầu tư phải bám sát thi công, phối hợp với các huyện, thành phố để tháo gỡ giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ.

Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát lại nguồn vốn đầu tư của ngành, địa phương mình; danh mục đầu tư đã có ngay từ đầu và đã ký cam kết với UBND tỉnh thì không “đổ thừa” mà phải quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu đề ra, có phân công từng cá nhân phụ trách công trình…

Về kế hoạch vốn năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý đến phân khai các nguồn vốn phục hồi kinh tế, vốn chương trình mục tiêu, vốn phát triển đô thị; tuân thủ 7 nguyên tắc phân khai và chủ động chuẩn bị mặt bằng, vật liệu xây dựng, đánh giá năng lực nhà thầu; chuẩn bị kế hoạch danh mục công trình để sớm thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh.

Dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Đồng Tháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng nguồn vốn là là 5.328 tỷ đồng, cao hơn 778 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2022.

Trong đó, nguồn vốn sẽ tập trung nhiều ở các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản; giao thông; công trình công cộng tại các đô thị, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục