Dòng tiền trở lại giúp VN- Index tăng chạm mốc 1.290 điểm

12:55' - 29/07/2021
BNEWS Nhà đầu tư đã quyết đoán hơn trong việc giải ngân, khiến chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng khá mạnh ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch 29/7 và đà tăng này được duy trì cho đến cuối phiên giao dịch.
Cuối phiên sáng 29/7, VN-Index tăng 11,94 điểm lên hơn 1.289 điểm. Toàn sàn có 193 mã tăng giá, 61 mã đứng giá và 145 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 285,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.149 tỷ đồng.
HNX-Index tăng 2,56 điểm lên 308,81 điểm. Toàn sàn có 96 mã tăng giá, 197 mã đứng giá và 76 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 50,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.258 tỷ đồng.
UPCOM-Index tăng 0,53 điểm lên 85,49 điểm. Toàn sàn có 106 mã tăng giá, 718 mã đứng giá và 79 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn hơn 23,3 triệu đơn vị, tương ứng với hơn 459,76 tỷ đồng.
Như vậy, tổng mức thanh khoản trong phiên sáng nay đạt gần 10.867 tỷ đồng và con số này tăng gần 35% so với mức thanh khoản sáng ngày 28/7.
Tuy nhiên, mức thanh khoản này vẫn rất thấp nếu so với thời điểm tháng 6. Nhận định về việc dòng tiền có dấu hiệu chững lại, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital cho rằng, việc thanh khoản từ đầu tháng 7 đến nay giảm xuống là hợp lý.
Nếu nhìn vào đoạn thị trường trong vài tháng qua có thể thấy, dù chỉ số sàn HOSE giảm từ 13 - 14% so với mức đỉnh, nhưng thị trường Việt Nam có sự trưởng thành vượt bậc. Mức thanh khoản từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng mỗi phiên là không thực tế và con số này tương đương từ 130 - 160% tổng giá trị vốn hóa của sàn HOSE.
Theo nghiên cứu của Dragon Capital, trong vòng 50 năm qua, thị trường thế giới cũng rất khó có mức thanh khoản tăng trưởng và ổn định này. Do đó, thanh khoản trên HOSE tại thị trường Việt Nam từ 15.000 - 17.000 tỷ đồng tương đương khoảng 80% giá trị vốn hóa là mức hợp lý.
"Do đó câu chuyện sụt giảm thanh khoản từ 25.000 - 30.000 tỷ đồng về vùng 15.000 - 17.000 tỷ đồng là hợp lý và giá trị giao dịch có thể duy trì ổn định tại vùng này”, ông Lê Anh Tuấn nhìn nhận.
Trở lại diễn biến thị trường, sáng nay, các nhóm cổ phiếu như: ngân hàng, chứng khoán, thép diễn biến rất tích cực.
Tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn VAB đứng ở mốc tham chiếu. Tất cả các mã còn lại đều ở chiều tăng giá. Các mã tăng giá mạnh như: CTG, EIB, MBB, NVB, LPB, OCB, PGB, VPB.
Sắc xanh cũng lan tỏa tại nhóm cổ phiếu chứng khoán. Hàng loạt mã cổ phiếu ngành này tăng mạnh như: SSI, VND, VDS, SHS, HCM, FTS…Các mã cổ phiếu ngành thép cũng tăng tích cực như: HPG, HSG, POM, SMC, TLH.
Nhóm cổ phiếu dầu khí không có mã nào ở chiều giảm giá. Còn ở chiều tăng giá có: PVB tăng 1,5%, PVS tăng 0,4%, PVD tăng 0,3%. Các mã PLX, OIL, BSR, PVC đứng ở mốc tham chiếu.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 25 mã tăng giá, chỉ có 4 mã giảm giá và 1 mã đứng ở mốc tham chiếu. Các mã cổ phiếu đầu ngành: VRE, VHM, VNM, GAS, POW, PNJ, MWG, MSN, FPT, BVH… đều ở chiều tăng giá đã có tác động rất lớn đến đà tăng của chỉ số.
Về diễn biến khối ngoại sáng nay, khối này bán ròng 46,44 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng 23,54 tỷ đồng trên HNX và 4,61 tỷ đồng trên UPCOM.
Về diễn biến chứng khoán thế giới trước đó, trong phiên giao dịch 28/7, thị trường chứng khoán Mỹ biến động trái chiều, khi các nhà đầu tư xem xét một loạt báo cáo kinh doanh của các doanh nghiệp và kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,4% xuống 34.930,93 điểm, chỉ số S&P 500 không có nhiều thay đổi và giữ ở mức 4.400,64 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7% lên 14.762,58 điểm.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn bao gồm: Apple, Alphabet, công ty mẹ của Google, Starbucks và Boeing, đều công bố báo cáo kinh doanh khả quan. Tuy nhiên, theo trang phân tích thị trường Briefing.com (Mỹ), các nhà đầu tư cho rằng, các doanh nghiệp sẽ khó có thể duy trì mức tăng trưởng tương tự trong tương lai.
Trong khi đó, Fed một lần nữa đánh giá kinh tế Mỹ đang cải thiện nhưng vẫn cần được hỗ trợ. Trả lời phóng viên sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định lạm phát đã tăng cao hơn mục tiêu 2% của cơ quan này, chủ yếu là do các yếu tố tạm thời bao gồm sự tắc nghẽn nguồn cung.
Song, ông Powell tái khẳng định tin tưởng rằng, mặc dù lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong một số tháng nhưng cuối cùng sẽ chững lại và ngân hàng Trung ương sẽ sẵn sàng hành động nếu cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục