Dòng tiền từ các quỹ đầu tư toàn cầu đang chảy về đâu?

08:18' - 09/07/2022
BNEWS Theo Refinitiv Lipper, các nhà đầu tư đã rút ròng 7,74 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư toàn cầu, so với dòng vốn chảy ra là 8,92 tỷ USD trong tuần trước.

Các quỹ đầu tư chứng khoán toàn cầu đang phải chứng kiến dòng tiền chảy ra trong tuần thứ hai liên tiếp tính đến ngày 6/7 trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và rủi ro suy thoái do các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất.

Theo Refinitiv Lipper, các nhà đầu tư đã rút ròng 7,74 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư toàn cầu, so với dòng vốn chảy ra là 8,92 tỷ USD trong tuần trước.

Số liệu cho thấy hoạt động chế tạo của Mỹ đã chậm hơn dự kiến trong tháng 6/2022, trong khi hoạt động kinh doanh trong Khu vực đồng tiền chung Eurozone cũng chậm lại.

 

Trong một lưu ý ngày 8/7, Ngân hàng Nomura cho hay kinh tế Mỹ có thể bắt đầu suy thoái trong quý IV/2022, khu vực Eurozone, Anh, Nhật Bản và các nền kinh tế nhỏ hơn khác cũng sắp sửa đón nhận tình cảnh tương tự.

Sự sụt giảm tăng trưởng chung trên toàn cầu sẽ khiến tăng trưởng GDP của Eurozone, Anh, Nhật Bản giảm xuống -0,8% trong năm 2023 so với mức 2% trong năm 2022.

Các quỹ đầu tư của Mỹ và châu Âu ghi nhận mức bán ròng lần lượt là 5,11 tỷ USD và 4,89 tỷ USD, mặc dù các nhà đầu tư đã đổ tiền vào các quỹ châu Á trị giá ròng 1,05 tỷ USD.

Trong số các quỹ ngành, quỹ chăm sóc sức khỏe đã thu hút 1,07 tỷ USD mua ròng, dòng tiền đổ vào lớn nhất trong 5 tuần, song các quỹ tài chính, kim loại và khai thác mỏ, và công nghiệp lần lượt có dòng tiền trị giá 1,16 tỷ USD, 807 triệu USD và 702 triệu USD.

Mặt khác, các quỹ thị trường tiền tệ an toàn hơn đã thu được 64,78 tỷ USD, dòng tiền hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 27/10.

Trong khi đó, áp lực bán ra tại các quỹ trái phiếu đã giảm bớt khi dòng tiền chảy ra giảm xuống còn 429 triệu USD, mức rút tiền thấp nhất trong 5 tuần.

Các quỹ “phòng vệ” lạm phát và chính phủ toàn cầu lần lượt nhận được 917 triệu USD và 213 triệu USD, trong khi các quỹ có lợi suất cao thu được 219 triệu USD, dòng tiền chảy vào trong tuần đầu tiên sau 5 tuần.

Các nhà đầu tư đã rút tiền khỏi các quỹ ngắn hạn và trung hạn trị giá 6,01 tỷ USD, đánh dấu dòng tiền chảy ra tuần thứ 26 liên tiếp.

Số liệu của các quỹ hàng hóa cho thấy các nhà đầu tư đã rút khỏi các quỹ kim loại quý trị giá 2,06 tỷ USD, dòng tiền chảy ra lớn nhất kể từ tháng 3/2021, trong khi dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ năng lượng ở mức 75 triệu USD./. 

>>>GPIF sẽ lần đầu tiên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Nhật Bản​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục