Đồng USD tăng mạnh thúc đẩy sự biến động trên thị trường tiền tệ

16:14' - 25/11/2021
BNEWS Sự bất ổn gia tăng trên thị trường ngoại hối, khi những đồn đoán về mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trước sự gia tăng mạnh mẽ của lạm phát đã đẩy đồng USD tăng lên.

Sự bất ổn đang gia tăng trên các thị trường ngoại hối, khi những đồn đoán về mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trước sự gia tăng mạnh mẽ của lạm phát đã đẩy đồng USD tăng lên và khiến các đồng tiền trên toàn cầu biến động mạnh hơn.

Trong những tuần gần đây, chỉ số đo lượng mức độ biến động tiền tệ của ngân hàng Deutsche Bank đã tăng từ mức thấp nhất trong ba tháng qua lên mức cao nhất kể từ tháng Ba, do những biến động của đồng USD, euro, yen và nhiều đồng tiền khác.

Nguyên nhân cho những biến động này là đường hướng chính sách khác nhau của các ngân hàng trung ương, vốn đang có xu hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ, nhưng với tốc độ không giống nhau. Những đồn đoán về khả năng lãi suất tăng lên sẽ làm tăng sức hút của một đồng tiền đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận.
Phần lớn sự biến động gần đây của thị trường ngoại hối bắt nguồn từ sự khởi sắc ngày càng mạnh mẽ của đồng USD. “Đồng bạc xanh” đã hưởng lợi từ những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm chương trình mua trái phiếu và nâng lãi suất nhanh hơn các ngân hàng trung ương khác.
Đồng USD đã tăng 9,1% so với đồng euro trong năm nay, và đang hướng đến mức tăng theo năm lớn nhất trong sáu năm qua. Đồng tiền này cũng đã tăng 11,6% so với đồng yen và 7% so với đồng AUD.
Ông Richard Benson, giám đốc đầu tư của công ty Millennium Global Investments ở London (Vương quốc Anh), dự đoán đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng euro, do Fed được dự đoán sẽ thắt chặt tiền tệ vào năm sau, với tốc độ nhanh hơn Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự biến động tiền tệ bao gồm những lo ngại về tình hình dịch COVID-19. Áp lực đang đè nặng lên đồng euro và các đồng tiền khác ở châu Âu, trong bối cảnh khu vực này đang đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới.
Bên cạnh đó, những lo ngại về khả năng quan hệ kém thuận lợi với Ukraine (U-krai-na) đã khiến đồng ruble của Nga tăng gấp ba lần trong những tuần qua. Trong khi đó, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lại giảm 25% trong tháng này sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan hối thúc ngân hàng trung ương nước này nới lỏng chính sách tiền tệ.
Dù sự biến động tiền tệ hiện tại vẫn còn khá thấp so với các mức trong lịch sử, nhưng nhiều nhà đầu tư tin rằng xu hướng biến động này sẽ không sớm giảm xuống. Sự biến động trên các thị trường trái phiếu, vốn cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những đồn đoán về lãi suất, vẫn đang gia tăng suốt nhiều tuần qua./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục