Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành: Băn khoăn bố trí tái định cư

14:40' - 27/10/2017
BNEWS Các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu thật kỹ các phương án để đảm bảo ổn định cuộc sống người dân tại khu vực bị giải toả thuộc dự án sân bay Long Thành

Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đa số các đại biểu cho rằng, đây là dự án lớn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều hộ dân phải di dời; bố trí việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân sau tái định cư... trong khi đó nguồn vốn bố trí của Dự án lại đang gặp khó khăn.

Do đó, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu thật kỹ các phương án để đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân tại khu vực bị giải toả. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên TTXVN đã ghi lại những ý kiến của các đại biểu về vấn đề này.

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (Đoàn Long An): Nghiên cứu, đánh giá kỹ các phương án

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn cho rằng cần nghiên cứu đánh giá kỹ các phương án xung quanh dự án sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Hiện nay, theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai thì vốn dành cho dự án này là khoảng 23.000 tỷ đồng, và từ nay đến năm 2020 phải đền bù, giải toả mặt bằng xong để có thể triển khai các công trình tiếp theo, và đến 2025 phải có 1 đường băng được đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, vốn đầu tư trung hạn cho dự án này đã được phê duyệt chỉ có 5.000 tỷ đồng. Như vậy, còn thiếu 18.000 tỷ đồng nữa, số này lấy ở đâu ra? Ngoài ra, sau khi đền bù cho người dân xong cũng phải tính đến việc tái định cư như thế nào?

Bên cạnh đó, nếu không bố trí được vốn thì dự án sẽ bị kéo dài, gây khiếu kiện trong dân, điều này đã được rút kinh nghiệm ở nhiều dự án khác đã từng xảy ra. Trong khi đó, nếu dự án mà thu hồi đất qua nhiều giai đoạn thì sẽ tạo ra sự chênh lệch giá, từ đó tạo sự không công bằng đối với người dân đi trước và người đi sau.

Hiện nay, theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai đang tạm tính giá đền bù ở thời điểm tháng 7/2017 và đây là khung giá chuẩn trong 5 năm.

Như vậy, có một vấn đề, người dân nhận tiền trong giai đoạn 2017-2018 so với người nhận tiền ở giai đoạn 2019-2020, thì người nhận tiền sau có chấp nhận hay không? Đây là một vấn đề nan giải. Do đó, dự án sẽ bị đội giá là đương nhiên nếu thu hồi đất trong khoảng thời gian 5 năm.

Theo tôi, việc thu hồi đất phải tiến hành ngay một lần chứ không chia ra làm từng giai đoạn, bởi nó tạo ra sự không công bằng đối với người giao đất trước và người giao đất sau.

Điều tôi băn khoăn nhất là sau khi giải phóng mặt bằng rồi thì bố trí người dân tái định cư như nào? bởi người dân tại khu vực này chủ yếu là làm nông nghiệp (trồng cao su), sau khi chuyển về nơi tái định cư thì bố trí việc làm ra sao, đào tạo nghề để tuyển vào các khu công nghiệp... Đây là vấn đề cần phải đánh giá thật kỹ để ổn định cuộc sống của người dân tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế, đã có nhiều dự án sau khi thu hồi đất làm Khu công nghiệp thì người dân phải "chạy" khắp nơi để kiếm việc làm, bởi người dân lâu nay chỉ sống bằng nghề nông nghiệp. Nay chuyển sang mô hình công nghiệp thì rất khó cho nông dân. Đây là bài toán rất khó, do đó Chính phủ cần chỉ đạo UBND Đồng Nai nghiên cứu, có hẳn một Đề án về vấn đề này.

Theo tôi, cũng có thể tính tới bài toán di dân, có thể tìm nơi tái định cư có điều kiện phù hợp với khu vực bị giải toả, không nhất thiết phải ở tỉnh Đồng Nai, mà có thể ở tỉnh lân cận khác. Bởi Luật Đất đai cũng quy định, khi thu hồi đất phải bố trí người dân đến một nơi có điều kiện bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.

Để giải bài toán về vốn, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội đã duyệt vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho Dự án đường cao tốc Bắc - Nam là 70.000 tỷ đồng và 5.000 tỷ đồng cho Dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên, Dự án đường cao tốc Bắc - Nam mới đầu tư từng đoạn chứ chưa làm được toàn tuyến, bởi không có vốn. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải có thể cân đối, chia bớt 18.000 tỷ đồng trong số 70.000 tỷ đồng cho Dự án Sân bay Long Thành.

Để Dự án có đủ vốn giải phóng mặt bằng dứt điểm 1 lần. Khi có mặt bằng sạch rồi, thì các hạng mục đầu tư công trình phụ trợ cho sân bay có thể kêu gọi xã hội hoá, việc này rất dễ.

Hiện nay, các sân bay như Phú Quốc, Đà Nẵng đã thực hiện xã hội hoá, và có cả nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào đầu tư. Nếu sân bay Long Thành cũng triển khai như vậy thì chắc chắn cũng có nhà đầu tư vào. Nhưng vấn đề quan trọng là phải có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Tránh xung đột trong từng giai đoạn triển khai

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tôi đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Kinh tế, diện tích, mô hình khu tái định cư, bố trí tái định cư theo từng nhóm hộ gia đình... Khi xây dựng những khu tái định cư sẽ “đẻ” ra những vấn đề về môi trường, phát sinh những mâu thuẫn trong vấn đề giao thông, ô nhiễm môi trường...

Theo tôi, thường khi đền bù giải toả dự án là người dân hay có tâm lý so sánh chỗ ở cũ và mới. Họ thích ở chỗ cũ vì sự ổn định, nên rất dễ phát sinh sự không hài lòng và so sánh. Làm khu tái định cư có kết hợp kinh doanh hay không? Nguồn thu từ kinh doanh này sẽ được sử dụng thế nào? Tác động ra sao tới người tái định cư?...

Do đó, Báo cáo nghiên cứu khả thi vẫn cần cụ thể hoá hơn nữa những nội dung trên và xây dựng các nguyên tắc, quy định để làm cơ sở thực hiện, tránh biến thành “luật thu nhỏ” của dự án, tránh xung đột trong từng giai đoạn triển khai dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục