Dự báo chuyên gia về chính sách lãi suất của Fed

16:43' - 28/01/2019
BNEWS Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở biên độ 2,25-2,5%, qua đó giúp các thị trường chứng khoán ổn định sau đợt bán tháo chưa từng có trong lịch sử.
Trong ảnh (tư liệu): Kiểm tiền USD tại quầy giao dịch tiền tệ ở Karachi, Pakistan, ngày 1/8/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN ;

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong cuộc họp về chính sách cuối tháng này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở biên độ 2,25-2,5%, qua đó giúp các thị trường chứng khoán ổn định sau đợt bán tháo chưa từng có trong lịch sử diễn ra trên thị trường Phố Wall (Mỹ) hồi cuối năm 2018.

Trong khi đó, các thị trường kỳ hạn dự đoán Fed sẽ “án binh bất động” đối với chính sách lãi suất trong cả năm 2019, với tỷ lệ ý kiến cho rằng ngân hàng trung ương thậm chí có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 12/2019 đang gia tăng.

Tình trạng đóng cửa một phần kéo dài hơn một tháng vừa qua của Chính phủ Mỹ mặc dù đã được giải quyết với một thỏa thuận công bố hôm 25/1 giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ song đã tác động tiêu cực tới Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Theo nhà kinh tế trưởng Kevin Hassett của Nhà Trắng, tình trạng này, vốn ảnh hưởng xấu tới 800.000 nhân viên liên bang, nếu tiếp tục kéo dài tới tháng 3/2019 có thể khiến kinh tế Mỹ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0% trong quý I/2019.

Trước đó, người đứng đầu chi nhánh Kansas của Fed, bà Esther George cho biết cơ quan này có thể có thời gian "tạm dừng" trước đợt tăng lãi suất tiếp theo, vào thời điểm lãi suất cơ bản của Mỹ đang gần với mức mục tiêu cuối cùng.

Bà George nói rằng sau 9 lần tăng lãi suất trong 3 năm qua, Fed sẽ ngưng một thời gian để đánh giá về “phản ứng” của nền kinh tế.

Theo quan chức này, các quyết định nâng lãi suất cho đến nay đã có tác động đối với nền kinh tế và những hiệu ứng này cần phải được giám sát thận trọng.

Bà George lưu ý "tiến trình tăng lãi suất đang tiến gần tới mức mục tiêu cuối cùng", mức "trung tính" không kích thích hoặc không hạn chế nền kinh tế.

Rất có thể một vài đợt tăng lãi suất nữa là thích hợp, song những quyết định này cần phải dựa trên những đánh giá cẩn trọng về các số liệu kinh tế.

Tương tự, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh Fed sẽ "kiên nhẫn, theo dõi một cách cẩn trọng và sát sao" nền kinh tế Mỹ trước khi có động thái điều chỉnh lãi suất.

Bất chấp quan ngại về tình hình kinh tế không sáng sủa, Chủ tịch Fed vẫn lạc quan về đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này, cho rằng lạm phát đang gần với mục tiêu 2%, và ông không thấy bất kỳ nguy cơ nào dẫn tới kinh tế Mỹ suy thoái.

Ông nhấn mạnh không hề có sự chuẩn bị trước cho các đợt tăng lãi suất, mà kế hoạch này sẽ linh hoạt hơn, phụ thuộc vào tình hình kinh tế toàn cầu. Nếu tăng trưởng kinh tế chậm lại, theo ông Powell, Fed ngay lập tức có động thái hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Powell cũng cho hay tình trạng đóng cửa chính phủ một phần kéo dài đã cản trở Fed tiếp nhận các dữ liệu kinh tế cần thiết, khiến cơ quan này khó có đánh giá sát sao và rõ ràng về triển vọng nền kinh tế Mỹ để đưa ra quyết định hợp lý.

Mỹ đã phải đối mặt với số đơn mua hàng lâu bền sa sút và tăng trưởng thu nhập đáng thất vọng. Và việc điều chỉnh hạ mức tăng trưởng kinh tế Mỹ quý III/2018 đã được thực hiện, chủ yếu do xuất khẩu giảm mạnh nhất trong gần một thập niên qua.

Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua, trong bối cảnh các nền kinh tế Đức và Nhật Bản ghi nhận đà suy giảm và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Các chuyên gia kinh tế nhận định sau một năm phục hồi, kinh tế Mỹ có thể đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2019. Ảnh hưởng của gói kích thích bị giảm, chính sách tiền tệ bị siết chặt kết hợp với tăng trưởng toàn cầu bị chững lại sẽ là những nguy cơ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị giảm tốc.

Trong báo cáo Nghiên cứu toàn cầu Merrill Lynch của Ngân hàng Bank of America được công bố tháng 12/2018, tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ trong năm 2019 ước tính là 2,7% và sẽ giảm đi trong hai quý cuối năm do tác động của gói kích thích tài chính bắt đầu giảm.

Tỷ lệ thất nghiệp cuối năm có thể tụt xuống mức thấp nhất trong 65 năm là 3,2%, nâng tăng trưởng lương thêm 3,5%.

Lạm phát lõi sẽ tăng dần lên 2,2% trong năm 2019, trong khi thị trường nhà ở sẽ không còn diễn biến tích cực theo nền kinh tế. Nhóm nghiên cứu cho rằng doanh số nhà ở đã đạt đỉnh và đà tăng giá nhà sẽ chậm lại.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng về thị trường tài chính Mỹ Kathy Bostjancic, thuộc Oxford Economics, cho rằng những quan ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2019 có thể là “quá mức”.

Theo nhận định của Oxford, Fed sẽ tăng lãi suất hai lần trong năm 2019 với lần đầu tiên là vào tháng 5/2019 tại cuộc họp chính sách lần thứ ba trong năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục