Dự báo thị trường M&A tại Việt Nam vẫn sẽ sôi động

15:10' - 03/11/2022
BNEWS Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới.

Mặc dù, thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang có sự chững lại, tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhiều yếu tố cho thấy, thấy thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ sớm sôi động trở lại nhờ vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự báo tích cực.

Đây là một trong những nội dung được nhiều các chuyên gia, nhà quản lý quan tâm, chia sẻ tại buổi họp báo công bố Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 14 (M&A Vietnam Forum 2022) năm 2022 do Báo Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào sáng 3/11.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn cho biết, kể từ khi tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên vào năm 2009, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt quá trình hình thành và đổi mới mô hình sáng tạo, đầu tư kinh tế số... Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Với bối cảnh hiện nay, thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.

"Có thể có nhiều cách lý giải khác nhau về những động thái trên: Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn quá trình gặp gỡ thương thảo, hay nặng nề hơn là khiến thực trạng của doanh nghiệp; đặc biệt là năng lực tài chính cả bên mua và bên bán thay đổi ngoài dự đoán; những biến động mạnh của nền kinh tế toàn cầu mà tương lai chưa thể đoán định; cạnh tranh căng thẳng giữa các quốc gia lớn… Những yếu tố này không thể không ảnh hưởng đến toan tính của các bên tham gia thương vụ", ông Lê Trọng Minh nhận xét.

Tuy nhiên, theo ông Minh, cùng với động thái trên, thị trường cũng đang được chứng kiến một bức tranh khác. Nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và thể hiện sức chống chịu khá vững vàng trước các tác động bên ngoài. Nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở phương diện nguồn vốn mà còn là các bí quyết công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại.

Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới. Sự bùng nổ của những hoạt động kinh tế mới, nhất là những lĩnh vực công nghệ đầy sáng tạo khiến những phương thức hợp tác truyền thống trở nên dường như kém hiệu quả hơn…

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, Việt Nam vẫn đang được đánh giá là điểm sáng kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng GDP được dự báo đạt từ 7,5-8% trong năm 2022, năm 2023 có thể đạt mức 6,5%. Đây là dự báo tương đối lạc quan và tạo cơ hội cho thị trường M&A trong nước trong năm 2022 và năm 2023. 

Theo đó, những lĩnh vực tạo sức hấp dẫn với các thương vụ M&A được ông Nguyễn Công Ái chia sẻ; đó là: dịch vụ tài chính – ngân hàng, lĩnh vực này hiện đang có nhiều thương vụ đàm phán trong năm nay là dự kiến sẽ đi đến chốt vào năm 2023. Ngoài ra, các lĩnh vực liên quan đến bán lẻ cũng trở nên hấp dẫn các thương vụ M&A trong năm 2023. 

 

Một tín hiệu lạc quan nữa được ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhắc đến đó là: Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.

Theo đó, đưa ra nhiều nhóm giải pháp như phát triển các loại thị trường như: thị trường tài chính, thị trường vốn, thị trường trái phiếu, chứng khoán… nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, năng suất hoạt động kinh tế nói chung của từng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ông Phan Đức Hiếu khẳng định, nếu những nội dung trong Nghị quyết được thực thi đúng, tốt và đầy đủ thì Việt Nam sẽ có một nền kinh tế chất lượng, và sẽ tạo ra những tác động tích cực cho thị trường vốn, mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp và thị trường M&A phát triển.

Cũng theo ông Hiếu, Diễn đàn M&A đã có đóng góp rất tích cực đối với nền kinh tế và các cơ quan quản lý nhà nước. Diễn đàn nâng cao nhận thức tích cực, ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động M&A, từ sự “sợ hãi” thành một phương thức huy động vốn hiệu quả và kinh doanh mở rộng thị trường.

“Diễn đàn là nơi trao đổi thực tiễn thiết thực và vô cùng hữu ích cho xây dựng chính sách. Diễn đàn nhận được sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà tư và bên có liên quan ở ngoài nước. Chia sẻ thông tin sâu về chính sách và kinh nghiệm thực tế trong thương vụ M&A là điểm hấp dẫn lớn nhất của nhà đầu tư”, ông Hiếu đánh giá.

Dưới góc nhìn quỹ đầu tư, ông Trần Ngọc Đức, Chủ tịch D. lion Group cho rằng, xu thế M&A đang mở rộng hơn, không chỉ ở trong lĩnh vực truyền thống mà lan sang nhiều lĩnh vực ngành nghề khác mới, trong có công nghệ thông tin hay game blockchain.

Một lượng vốn lên đến hàng chục triệu USD từ các quỹ ngoại đang chờ đợi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam. Động lực của xu hướng này chính là mục tiêu hợp nhất các hoạt động. Những công ty lớn sẽ mua lại những công ty cung cấp dịch vụ bổ sung có quy mô nhỏ hơn, giúp họ hoàn thiện một hệ thống dịch vụ thống nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục