Dư địa tăng trưởng cho ngành lâm nghiệp

14:32' - 01/05/2019
BNEWS Phải mất ít nhất từ 7-10 năm mới cho một chu kỳ khai thác cây lâm nghiệp. Nếu khâu giống được cải thiện có thể chiếm đến 50 - 60% năng suất rừng trồng.

Điều đó cho thấy, giống là một trong những khâu quan trọng nhất của trồng rừng, đặc biệt là rừng trồng sản xuất.

Chăm sóc, bảo vệ rừng trồng tại thôn Khe Đồng, xã Đại Linh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Việc cải thiện giống để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng đang là một yêu cầu cấp bách đối với sản xuất lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Trong hơn 4 triệu ha rừng trồng trên cả nước hiện nay có trên 3,5 triệu ha là rừng trồng sản xuất. Đây chính là nơi tạo ra nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam và cũng là “địa bàn” chính của tái cơ cấu lâm nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất.

Việc quản lý, nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp được coi là tiền đề cho sự thành công hay thất bại đối với kinh doanh rừng trồng sản xuất.

Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, để duy trì tăng trưởng ngành chế biến gỗ, hàng năm ngành này cần tăng thêm từ 2-3 triệu m3 gỗ nguyên liệu.

Trong khi đó, năng suất rừng trồng bình quân cả nước chưa được 100 m3/ha/chu kỳ, rất thấp so với thế giới và các nước trong khu vực. Đây chính là dư địa để cải tiến, đảm bảo tăng trưởng trong lâm nghiệp thời gian tới.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năng suất rừng trồng cả nước đã tăng 50% so với năm 2009 và đạt trung bình 15 m3/ha/năm.

Đối với diện tích rừng trồng, rừng thâm canh các giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia đạt bình quân 20-25 m3/ha/năm, cá biệt có mô hình keo lai trồng trên liếp (luống) tại Cà Mau cho năng suất 40 m3/ha/năm.

Hiện có 183 giống cây lâm nghiệp được công nhận; trong đó có 55 giống được trồng phổ biến. Giống các loài keo, bạch đàn chiếm 70% diện tích rừng trồng sản xuất.

Hằng năm các địa phương trong cả nước sản xuất khoảng 650 triệu cây giống phục vụ trồng rừng, nhưng giống cây mô-hom chỉ chiếm 23%, còn lại cây gieo ươm từ hạt.

Mặc dù, số lượng giống được công nhận nhiều, nhưng số lượng giống được áp dụng vào sản xuất còn ít; giá thành sản xuất giống cây nuôi cấy mô còn cao dẫn đến diện tích trồng rừng thâm canh từ các giống tiến bộ kỹ thuật, giống quốc gia chưa nhiều.

Theo Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT về Danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính, danh mục loài cây trồng chính mới chỉ có 20 loài.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu chọn, tạo giống hiện nay chủ yếu là các loài cây nhập nội sinh trưởng nhanh, chưa quan tâm đúng mức nghiên cứu, cải thiện giống cây bản địa, cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, việc nghiên cứu giống cây lâm nghiệp có hàm lượng khoa học chưa cao. So với nghiên cứu về gen, phân tử trong lĩnh vực giống nông nghiệp, lĩnh vực lâm nghiệp mới chỉ đứng ở “ngoài cửa”.

Từ thực tế sản xuất, theo ông Vũ Văn Hường, Phó Tổng giám đốc Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, giống trồng chủ yếu vẫn là keo và bạch đàn.

Hiện bệnh trên cây keo đang tăng lên, nếu xảy ra dịch bệnh thì sẽ không biết trồng thay thế bằng giống cây gì.

Do vậy, ngành lâm nghiệp cần nghiên cứu thêm giống mới, nhất là cho các vùng hiện chỉ sản xuất một giống chính. Bên cạnh đó, các vùng vẫn còn thiếu những giống cây gỗ lớn.

Cả nước có 744 đơn vị, cá nhân đăng ký sản xuất kinh doanh giống; trong đó có 229 cơ sở thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp sản xuất khoảng 20% số lượng cây giống hàng năm; 515 công ty tư nhân và hộ gia đình sản xuất khoảng 80% số lượng cây giống cung cấp cho trồng rừng.

Theo ông Vũ Văn Hường, việc quản lý chất lượng giống gặp rất nhiều khó khăn. Bởi giống hiện tiêu thụ nhiều nhất là người dân, chứ không phải doanh nghiệp. Người dân sản xuất giống bán cho người dân nên việc quản lý không dễ dàng.

Lúc này, vai trò của các công ty rất quan trọng, là nòng cốt trong sản xuất giống chất lượng tốt. Nhà nước cần có chính sách cũng như quản lý chặt chẽ để có giống tốt, giúp người dân hướng tới sử dụng giống cây rừng của doanh nghiệp.

Ông Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng, nhà nước có chính sách ưu tiên tạo bước đột phá trong nghiên cứu chọn tạo giống sinh trưởng nhanh, chất lượng gỗ tốt và chống chịu sâu bệnh bằng phân tử, công nghệ gen…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và hoàn thiện các quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô cho các giống có năng suất cao, chất lượng tốt với các loài cây trồng rừng chủ lực như: keo, bạch đàn, cây bản địa và một số cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn giao nhiệm vụ cho ngành lâm nghiệp trong 5-7 năm nữa phải “lật ngược” lại con số tỷ lệ sản xuất cây mô-hom đạt 77% để tăng năng suất rừng trồng thêm 15-20%. Ngành phải hướng dẫn cơ sở, địa phương kiểm soát toàn bộ chu trình sản xuất giống.

Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam sớm rà soát lại bộ giống, trước hết là giống cây đã công nhận và cây trồng chính.

Việc rà soát này cần loại bỏ ngay những giống đã công nhận, nhưng không có giống đầu dòng, không có khả năng phục tráng giống đầu dòng. Từ đó tạo cơ sở dữ liệu để các doanh nghiệp, tổ chức tìm đến để liên kết sản xuất giống.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng yêu cầu các nghiên cứu phục vụ cho tái cơ cấu chính là rừng trồng sản xuất cần tập trung vào hướng chọn giống tăng năng suất, chất lượng thân cây, kháng bệnh, cải thiện một số tính chất gỗ như cho đồ gỗ nội thất, gỗ xẻ, gỗ giấy… để thực sự gắn nghiên cứu với chuyển giao sản xuất.

Những giống chủ lực lấy gỗ không nên nhiều mà cần đồng loại, tương đồng về chất lượng, kích cỡ để dễ phát triển công nghiệp hóa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục