Dư địa thị trường đồ gỗ có xu hướng tăng

18:36' - 09/01/2020
BNEWS Hiện nay dư địa thị trường tiêu dùng sản phẩm gỗ và đồ gỗ chế biến tại Việt Nam và toàn cầu đều đang có xu hướng gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường làm việc với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Ngành lâm nghiệp nói chung và chế biến gỗ nói riêng đang đạt được tốc độ phát triển tốt. Nếu duy trì được tốc độ này, ngành chế biến gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại buổi làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) và các hiệp hội chế biến gỗ khu vực phía Nam tại Công ty cổ phần Nhà máy AA (Long An), ngày 9/1.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản đều gặp khó khăn về xuất khẩu thì lâm sản (bao gồm gỗ) vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao, trở thành một trong ba ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD với tổng doanh số xuất khẩu năm 2019 đạt 11,3 tỷ USD.

Hiện nay dư địa thị trường tiêu dùng sản phẩm gỗ và đồ gỗ chế biến tại Việt Nam và toàn cầu đều đang có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu gỗ, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam năng động trong việc cập nhật công nghệ, nắm bắt xu hướng thị trường và ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường đồ gỗ thế giới.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng, ngành chế biến xuất khẩu gỗ đang phat triển rất khởi sắc và tạo được sự quần tụ của nhiều hiệp hội chế biến gỗ địa phương, tuy nhiên để ngành gỗ phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có cần hoàn thiện từng “mảnh ghép” cho chuỗi giá trị ngành gỗ.

Cụ thể, nhu cầu thị trường tiêu dùng đồ gỗ được dự báo tiếp tục tăng cao nhưng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất để nâng cao quy mô ngành chế biến. Bên cạnh đó, khan hiếm nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nguyên liệu cũng là những vấn đề cấp bách của ngành chế biến gỗ hiện nay.

Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025 và phát triển bền vững trong tương lai, các hiệp hội lâm sản và chế biến gỗ cho rằng cần có giải pháp tổng thể để hoàn thiện chuỗi giá trị kinh tế của ngành gỗ.

Cụ thể, cần quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp ngành gỗ; quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành; chú trọng chọn lọc và phát triển các giống cây gỗ nguyên liệu chất lượng cao, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư thay đổi công nghệ, ứng dụng tự động hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, muốn nâng cao giá trị và vị thế của ngành gỗ, cần mở rộng đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất – thiết kế – thương mại đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đồ gỗ, nội thất của Việt Nam. Trên thực tế, giá trị tiêu dùng của ngành gỗ và nội thất toàn cầu đạt tới 450 tỷ USD nhưng giá trị sản xuất chỉ chiếm 140 tỷ USD, còn lại chia đều cho 3 lĩnh vực là sáng tạo, thương mại và thương hiệu. Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng mới chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, thị trường thế giới đã qua giai đoạn cạnh tranh về giá, hiện nay đang cạnh tranh về chất lượng và tương lai sẽ cạnh tranh về giá trị sáng tạo, thiết kế mang phong cách cá nhân. Do đó thiết kế, thương mại và thương hiệu sẽ đóng vai trò sống còn trong việc tạo ra sức cạnh tranh cho ngành chế biến gỗ và nội thất của Việt Nam trong dài hạn./.

>> Ngăn chặn gian lận thương mại trước nguy cơ chuyển dịch FDI ngành chế biến gỗ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục