Ngành gỗ đổi mới để hội nhập - Bài cuối: Nâng cao năng lực thích ứng

13:24' - 03/10/2019
BNEWS Đổi mới công nghê và xây dựng chuỗi cung ứng, tiêu thụ là các giải pháp mà các doanh nghiệp gỗ đang thực hiện để hội nhập.
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Việt Nam đang đứng đầu Đông Nam Á, đứng nhì châu Á và đứng thứ 5 thế giới về chế biến và xuất khẩu gỗ.

Thế nhưng trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới biến động không ngừng, doanh nghiệp ngành gỗ phải liên tục thích ứng bằng các giải pháp nâng cao năng suất, trình độ quản trị và thay đổi tư duy phát triển thị trường.

*Cải tiến công nghệ       

Ngành chế biến gỗ Việt Nam xuất phát từ nghề thủ công mỹ nghệ, chủ yếu dựa vào sự khéo léo của người thợ nhưng khi vươn ra những thị trường lớn yêu cầu sản xuất hàng loạt, giá cả hợp lý và giao hàng nhanh thì năng suất mới chính là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định khả năng tiếp cận thị trường.

Ông Cao Duy Tâm, Giám đốc Công ty Vetta cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi cơ hội mở rộng xuất khẩu và sức ép cạnh tranh, lao động diễn ra song song, doanh nghiệp ngành gỗ phải nhanh chóng giải quyết bài toán năng suất, chất lượng.

Do xuất phát điểm là nghề thủ công nên đến nay vẫn rất ít doanh nghiệp gỗ Việt Nam đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất hàng loạt mà chủ yếu dầu tư theo “vết dầu loang” nghĩa là có đơn hàng tới đâu đầu tư tới đó.

Chính vì việc đầu tư không đồng bộ nên năng suất, chất lượng các sản phẩm gỗ Việt Nam chưa đồng đều, khó có khả năng đáp ứng các đơn hàng lớn.

Theo ông Cao Duy Tâm, với xu hướng tiêu dùng đồ gỗ hiện đại và sự phát triển công nghệ chế biến gõ đã đạt đến đỉnh cao đây chính là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ.

Với việc ứng dụng các dây chuyền chế biến gỗ có độ chính xác cao, công năng đa dạng không chỉ đáp ứng được những đơn hàng lớn mà còn giúp doanh nghiệp giảm được áp lực về lao động.

Một hệ thống máy móc được đầu tư đồng bộ có thể giúp doanh nghiệp giảm được từ 20 -30% lao động.

Hơn thế nữa, với sự phát triển của công nghệ hiện nay doanh nghiệp có thể kết nối các dữ liệu để sản xuất tự động và dễ dàng giám sát quy trình sản xuất bất cứ lúc nào mà không cần có mặt tại nhà máy. 

Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, muốn nâng cao năng suất chỉ ứng dụng công nghệ thôi là chưa đủ. Thực tế là tầm nhìn, chiến lược của người điều hành mới là chìa khóa để doanh nghiệp cải tiến chất lượng lẫn năng suất.

Ông Bernd Kahrert, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty HOMAG chia sẻ, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam không phải là công nghệ mà chính là nhân lực.

Bởi, công nghệ có thể đầu tư để thay đổi một cách nhanh chóng nhưng việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ hiểu biết và khả năng vận hành lại khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Nếu đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại mà không có đội ngũ công nhân kỹ thuật vận hành hiệu quả thì đó là một hình thức lãng phí.

Theo ông Bernd Kahrert, doanh nghiệp có thể giảm số lao động thủ công nhưng phải chú trọng đầu tư cả chi phí và thời gian cho việc đào tạo lao động có khả năng vận hành, duy trì và đổi mới các quy trình sản xuất rất phức tạp trong tương lai.

Chia sẻ kinh nghiệm tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific cho biết, việc tăng năng suất trong ngành gỗ nói riêng và trong sản xuất nói riêng không đơn thuần chỉ là thay đổi công nghệ hay tăng công suất làm việc mà là sự tổng hòa của nhiều yếu tố công nghệ, con người, môi trường làm việc…

Tại Scansia Pacific, ngoài việc đầu tư vào máy móc, thiết bị, doanh nghiệp chú trọng cải thiện từng chi tiết nhỏ nhằm tối ưu hóa năng suất hoạt động của máy bằng cách kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu đầu vào, đơn giản hóa công việc cho công nhân.

Bên cạnh đó, cải thiện môi trường làm việc cho công nhân như sắp xếp nhà máy gọn gàng, giảm tối đa tiếng ồn, bụi để nâng cao hiệu quả làm việc của từng cá nhân.

Nhờ việc cải thiện đồng bộ các yếu tố trên, năng suất của công ty đã tăng hơn 30% so với trước đây, tạo ra nguồn lợi nhuận để tái đầu tư mở rộng sản xuất.

*Chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng        

Liên quan đến vấn đề tiếp cận trường, ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp FDI, hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam đều đang có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Những doanh nghiệp ngày thường khó tiếp cận những đơn hàng đại trà có số lượng lớn nhưng lại có lợi thế với những đơn hàng đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo và có giá trị cao hơn.

Nhu cầu tiêu dùng nội thất thế giới cũng đang có xu hướng cá nhân hóa nên doanh nghiệp nhỏ, biết khai thác thế mạnh của mình không phải quá sốt sắng trong việc đầu tư vào công nghệ.

Bởi công nghệ chế biến gỗ đang đạt đến đỉnh cao nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng tài chính để đầu tư dây chuyền công nghệ mới, quan trọng là phải làm chủ được công nghệ mà mình đang có.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, một điểm chung của nhiều doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam là chưa nhận thức được vai trò của việc xây dựng chuỗi cung ứng ngành hàng.

Mặc dù, có quy mô nhỏ nhưng các doanh nghiệp đều đang lựa chọn phương thức sản xuất độc lập, mỗi doanh nghiệp đều cho ra sản phẩm hoàn thiện.

Trong khi ở các nước khác, sản xuất đồ gỗ được thực hiện theo chuỗi, mỗi doanh nghiệp chỉ phụ trách một vài công đoạn.

Sự chuyên môn hóa đó giúp họ nâng cao năng suất và hình thành tư duy liên kết chặt chẽ hơn, hỗ trợ hiệu quả cho nhau cùng phát triển.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần có tầm nhìn mới, tư duy sâu hơn trong định hướng phát triển của doanh nghiệp, bao gồm cả việc sắp xếp lại quy trình sản xuất và mô hình quản trị.

Mặt khác, muốn phát huy thế mạnh của cả ngành hàng, doanh nghiệp phải tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu theo hướng chuyên môn hóa giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục