Du khách Việt Nam thay đổi thói quen chọn nơi lưu trú sau dịch COVID-19

07:50' - 11/10/2020
BNEWS Theo khảo sát của Agoda du khách Việt đã thay đổi thói quen chọn khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ homestay... cho chuyến đi trong thời điểm “bình thường mới” như hiện nay.

Theo khảo sát của nền tảng đặt du lịch trực tuyến Agoda (nền tảng thương mại điện tử cung cấp mạng lưới toàn cầu, gồm hơn 2,4 triệu chỗ nghỉ tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới) vừa công bố, du khách Việt đã đưa ra những tiêu chí và thay đổi thói quen chọn khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ homestay... cho chuyến đi trong thời điểm “bình thường mới” như hiện nay.

Đồng thời, du khách Việt Nam đã sẵn sàng để sửa soạn hành lý và lên đường, nhưng họ ý thức hơn về tầm quan trọng của những biện pháp kháng khuẩn, đảm bảo an toàn phòng dịch tại nơi lưu trú.
Cụ thể, có 24% du khách Việt tham gia khảo sát cho biết yếu tố “khử trùng phòng hàng ngày” là ưu tiên hàng đầu mà họ cân nhắc khi lựa chọn nơi lưu trú.

Ngoài ra, Việt Nam dẫn đầu trong khu vực về “tính bền vững” (thân thiện với môi trường) khi có 17% người được hỏi chọn đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn khách sạn.

Điều này cho thấy ngay cả khi phải đối mặt với dịch bệnh đang diễn ra, du khách Việt vẫn hy vọng cơ sở lưu trú lưu tâm đến vấn đề môi trường thông qua việc giảm thiểu rác thải và hạn chế sử dụng tài nguyên.
Theo ông Omri Morgenstern, Giám đốc điều hành Agoda, du khách muốn đi du lịch trở lại, nhưng yêu cầu biện pháp phòng dịch tại nơi nghỉ dưỡng được tiến hành nghiêm ngặt.

Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh rất tốt, khuyến khích thói quen đeo khẩu trang trong cuộc sống hàng ngày, do đó nhà cung cấp nơi lưu trú cần trang bị những dụng cụ bảo hộ cá nhân tại khu vực công cộng trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng, căn hộ...

Đơn cử, có 14% du khách Việt tham gia khảo sát mong muốn nhận được khẩu trang, nước kháng khuẩn, găng tay… tại nơi lưu trú.
Tương tự, một số chuyên gia khác cho rằng, dịch COVID-19 có thể xem là chất xúc tác "bất ngờ" trong việc thúc đẩy ngành Lữ hành và Du lịch đổi mới, cũng như tích hợp thêm các công nghệ mới.

Với bối cảnh người tiêu dùng chọn mua sắm trực tuyến tại nhà, việc áp dụng và tiêu dùng kỹ thuật số sẽ ngày càng gia tăng.

Người tiêu dùng hiện mong đợi được sử dụng các công nghệ không tiếp xúc (bao gồm cả sinh trắc học) và đây sẽ trở thành điều kiện tiên quyết cơ bản cho trải nghiệm du lịch an toàn.
Đặc biệt, với xu hướng ngày càng nhiều phụ nữ, dân tộc thiểu số và thanh niên tham gia vào ngành so với các lĩnh vực khác, Lữ hành và Du lịch có khả năng độc đáo để vừa bảo vệ và thu hút sự tham gia của các nhóm người yếu thế mà vẫn cùng lúc giúp giảm nghèo, giảm bất bình đẳng.

Đây là thời điểm để ngành tăng tốc thực hiện những thay đổi có ý nghĩa tạo ra sự khác biệt lâu dài cho thế hệ tương lai.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với sự giám sát, theo dõi hồ sơ môi trường và bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành.
Thống kê 9 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt 942.958 tỷ đồng, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 51.134 tỷ đồng, chiếm 5,4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 39,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai đa dạng dịch vụ như giao hàng tận nơi, đặt món trực tuyến, sự kết hợp với các phương tiện điện tử đã giúp ngành này giảm bớt được thiệt hại do dịch COVID-19.

Trong khi đó, ngành lưu trú chịu tổn thất nặng nề từ việc khách du lịch hạn chế đi lại, hủy đặt phòng hàng loạt.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, theo dõi chặt chẽ, nên các hoạt động kinh tế đang dần trở lại.

Dự báo ngành Du lịch và lưu trú sẽ có nhiều khởi sắc từ những chính sách kích cầu du lịch nội địa và việc mở cửa lại với một số nước có hệ số an toàn dịch cao.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để khôi phục ngành Du lịch và Lữ hành sau "cú đánh bồi" của đại dịch COVID-19, Sở Du lịch Thành phố triển khai và đặt mục tiêu chiến dịch “Thành phố Hồ Chí Minh xin chào – Hello Ho Chi Minh City” sẽ khởi động thành công chuỗi sự kiện và những chương trình quảng bá thương hiệu du lịch được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030.

Đồng thời, Sở Du lịch Thành phố sẽ chủ động thực hiện đa dạng hoạt động xúc tiến du lịch, hướng đến mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á - nơi du khách được trải nghiệm những giá trị khác biệt của di sản văn hóa, lối sống trong một thành phố an toàn, thông minh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục