Du lịch khám phá nghỉ dưỡng tại Kiên Giang

12:07' - 27/08/2016
BNEWS Dựa vào điều kiện tự nhiên, Kiên Giang quy hoạch thành 4 vùng du lịch trọng điểm riêng biệt trên địa bàn thích hợp với từng sở thích khám phá, nghỉ dưỡng, tham quan của du khách.
Du lịch Kiên Giang. Ảnh: TTXVN

Thật có lý khi nói Kiên Giang là phiên bản của tuyệt tác thiên nhiên sơn hà gấm vóc hình chữ S. Từ đồng bằng, núi đồi, rừng các loại, sông ngòi đến biên giới, biển đảo… tất cả đều hội tụ nơi này, tạo nên một Kiên Giang có lợi thế vượt trội về du lịch so với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là cơ sở vững chắc, điều kiện thuận lợi để tỉnh Kiên Giang phát triển mạnh ngành “công nghiệp không khói”.

Dựa vào điều kiện tự nhiên, Kiên Giang quy hoạch thành 4 vùng du lịch trọng điểm riêng biệt trên địa bàn thích hợp với từng sở thích khám phá, nghỉ dưỡng, tham quan của du khách, gồm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương và phụ cận, Rạch Giá - Kiên Hải và phụ cận, U Minh Thượng và phụ cận.

Phú Quốc đang được quy hoạch đầu tư phát triển thành khu du lịch cao cấp của cả nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Hòn đảo Ngọc này có địa hình độc đáo, với dải núi trùng điệp một màu xanh cây rừng ngút mắt chạy dài từ Bắc xuống Nam đảo cùng nhiều loài động vật, thực vật.

Những bãi tắm đẹp hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế như: Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Khem, Bãi Dài… và hệ thống 26 đảo lớn, nhỏ bao quanh, tạo thêm sự sống động cho bức tranh Phú Quốc “sơn thủy hữu tình”.

Bên cạnh đó là những món ẩm thực đặc trưng, đặc thù của núi rừng, biển đảo hấp dẫn du khách như: rượu sim, gỏi cá trích, nấm tràm, đặc biệt là hồ tiêu, nước mắm, gà rẫy Phú Quốc…

Đối với vùng biên Hà Tiên - Kiên Lương với những danh thắng như Mũi Nai, Hòn Trẹm, chùa Hang, núi Bình San, đầm Đông Hồ, núi Tô Châu, Đá Dựng, Thạch Động… sẽ tạo ấn tượng trong lòng người khi nhìn ngắm.

Cùng với đó là những hang động trên núi đá vôi, hệ thống các quần đảo Hải Tặc, Bà Lụa… gắn với nhiều câu chuyện cổ tích tạo nên những giá trị nhân văn cho Hà Tiên - Kiên Lương, lay động lòng người khi đặt chân đến.

Đến với Rạch Giá - Kiên Hải, du khách không khỏi ngạc nhiên trước công trình lấn biển đã và đang hoàn thành để mở rộng thành phố Rạch Giá.

Ngoài ra, tại thành phố biển này còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị, những công trình kiến trúc độc đáo kết hợp hài hòa giữa ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer, thông qua các lễ hội dân gian thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm như: Đình thần Nguyễn Trung Trực, chùa Tam Bảo, chùa Phật Quang, chùa Quan Đế, chùa Khmer…

Tiếp đến là quần đảo Nam Du, đảo Hòn Tre (huyện đảo Kiên Hải) với cảnh quan thiên nhiên còn hoang sơ, môi trường trong lành đang được nhiều du khách tìm đến khám phá và thưởng ngoạn.

Các em nhỏ người địa phương bắt cá ở mạch nước ngầm chảy trong hang động Sơn Trà, tỉnh Kiên Giang.Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Về Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trong hệ thống Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang, du khách có dịp khám phá hệ sinh thái rừng nhiệt đới ngập nước, đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam thuộc loại hiếm trên thế giới.

Nơi đây phát triển nguồn tài nguyên động thực vật đa dạng, phong phú với sự hiện diện của 254 loài thực vật bậc cao, 32 loài thú, 188 loài chim, 64 loài cá… Nhiều loài động vật được ghi trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, mèo cá, bồ nông chân xám, già đãy Java, tê tê…

Nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh vốn có trên 4 vùng du lịch trọng điểm, những năm qua, Kiên Giang đã huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch.

Nhiều công trình trọng yếu được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả như: nâng cấp sân bay Rạch Giá, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, một số cảng biển Rạch Giá, Bãi Vòng, Dương Đông, hệ thống giao thông trên đảo Phú Quốc, đưa điện quốc gia ra đảo Phú Quốc và Hòn Tre (Kiên Hải)…

Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch Mũi Nai, Thạch Động (Hà Tiên), Hòn Trẹm, chùa Hang, đường vào Hang Tiền (Kiên Lương)…

Cùng với đó là các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh được tu bổ, tôn tạo phục vụ du khách tham quan du lịch như: Nhà tù Phú Quốc, di tích Ba Hòn, di tích lịch sử cách mạng U Minh Thượng, di tích núi Bình San, tháp 4 sư liệt sĩ (Châu Thành), chùa Phật Quang, Đình thần Nguyễn Trung Trực…

Đồng thời, Kiên Giang thu hút được nhiều nhà đầu tư vào các dự án du lịch, nhất là huyện Phú Quốc đã tạo sự phát triển nhanh về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch.

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay tỉnh đã thu hút được 271 dự án thực hiện tại 4 vùng du lịch trọng điểm, với tổng diện tích 7.561 ha, vốn đầu tư khoảng 232.000 tỷ đồng, trong đó 179 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 4.271 ha, vốn đầu tư đăng ký 131.582 tỷ đồng; 92 dự án có chủ trương đầu tư đang triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định, với diện tích 3.343 ha, vốn đăng ký đầu tư 100.383 tỷ đồng.

“Tỉnh Kiên Giang đang tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, với tốc độ phát triển nhanh và bền vững, trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu, là trung tâm du lịch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cả nước, khu vực và thế giới.

Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh đón 6,8 triệu lượt khách du lịch, tăng bình quân 9,5%/năm, trong đó khách quốc tế 450.000 lượt người”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho hay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục