Du lịch Nhật Bản hút “khách Tây” nhờ trải nghiệm độc đáo

19:04' - 20/07/2025
BNEWS Việc mở rộng các loại hình du lịch trải nghiệm và cung cấp dịch vụ lưu trú có giá trị gia tăng đang trở thành chiến lược trọng tâm nhằm kích thích tiêu dùng tại Nhật Bản.
Trong bối cảnh hành vi chi tiêu của du khách nước ngoài đang có dấu hiệu thay đổi, việc mở rộng các loại hình du lịch trải nghiệm và cung cấp dịch vụ lưu trú có giá trị gia tăng đang trở thành chiến lược trọng tâm nhằm kích thích tiêu dùng tại Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê chính thức của Nhật Bản, lượng khách quốc tế đến với quốc gia Đông Á này trong nửa đầu năm 2025 đạt mức kỷ lục 21.518.100 lượt, vượt mốc 20 triệu với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay. Thành tích này tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của Nhật Bản trong vai trò điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng của khách quốc tế đang dịch chuyển, khi sự hứng thú với các mặt hàng xa xỉ dần suy giảm.

Dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho thấy tổng chi tiêu của du khách nước ngoài tại nước này trong quý II/2025 đạt 2.525 tỷ yen (17 tỷ USD), tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng tỷ trọng dành cho hoạt động mua sắm trong tổng chi tiêu lại giảm.

Tình trạng này được phản ánh rõ trong báo cáo doanh số tại các cửa hàng bách hóa – nơi doanh thu bán hàng miễn thuế trong tháng 5/2025 đã sụt giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp doanh số bán hàng cao cấp như, túi xách hàng hiệu, ghi nhận đà đi xuống.

 
Ngược lại, ngành khách sạn tiếp tục hưởng lợi từ dòng khách quốc tế. Theo Seibu Prince Hotels Worldwide – đơn vị điều hành chuỗi khách sạn cùng tên, tỷ lệ du khách nước ngoài trong tổng số khách lưu trú của công ty đã tăng khoảng 1,1 lần trong tháng 4 và 5/2025 so với cùng kỳ năm ngoái.

Một đại diện của Seibu Prince Hotels cho biết: “Số lượng khách tìm kiếm trải nghiệm độc đáo – chỉ có tại Nhật Bản – đang gia tăng”. Đơn cử như khách sạn Seiryu Kyoto Kiyomizu, do tập đoàn này vận hành, đã tổ chức một sự kiện biểu diễn múa truyền thống với sự tham gia của các nghệ sĩ maiko trẻ – biểu tượng văn hóa đặc trưng của Kyoto.

Chủ tịch tập đoàn bất động sản Mori Trust, bà Miwako Date, nhận định giá phòng khách sạn bình quân tại các đô thị lớn dự kiến vẫn duy trì ở mức cao từ đầu mùa Thu. Bà cho biết thêm: “Nhu cầu lưu trú đang có chiều hướng tăng mạnh hơn nữa”.

Một khảo sát do Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản thực hiện cho thấy, tỷ lệ du khách nước ngoài chi từ 1 triệu yen trở lên cho mỗi chuyến đi hiện chiếm 19,1% tổng số, tăng 5,1 điểm phần trăm so với thời điểm trước đại dịch COVID-19 (năm 2019). Theo Hiệp hội Du lịch Nhật Bản, nhóm khách này có xu hướng ưu tiên các trải nghiệm có giá trị gia tăng cao.

Ông Yukari Matsumoto – chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Jalan – nhận định: “Thay vì chỉ mua sắm, du khách nước ngoài đang chuyển hướng sang trải nghiệm các giá trị độc đáo tại Nhật Bản. Việc mua hàng, nếu có, thường đi kèm với những trải nghiệm để lại ấn tượng sâu sắc”.

Trong xu hướng đó, Cơ quan Du lịch Nhật Bản cũng đang tích cực thúc đẩy các loại hình du lịch mạo hiểm, nhằm giúp du khách khám phá sâu hơn thiên nhiên và văn hóa bản địa – hai yếu tố vốn được coi là tài sản vô giá của quốc gia này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục