Du lịch Pháp “vào cầu” sau COVID-19

20:37' - 15/08/2022
BNEWS Theo đánh giá của Cơ quan xúc tiến du lịch Pháp (Atout France) cho biết dòng người du lịch Pháp đã đạt, thậm chí vượt mức năm 2019, thời điểm ngay trước dịch COVID-19.

Dịch COVID-19 tạm yên, du lịch lại trở thành mũi nhọn kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng đi nghỉ hè của du khách Pháp và châu Âu đã thay đổi sau gần hai năm người dân bị kìm hãm bởi các biện pháp phòng dịch.

 

Theo thông lệ, kỳ nghỉ hè tại châu Âu bắt đầu từ tháng Bảy và kéo dài cho đến hết tháng Tám. Trong hai tháng hè, nhịp sống và hoạt động trên cả nước Pháp chậm lại, phần lớn người dân đổ xô đi du lịch và thư giãn, tận hưởng thời gian thư thái và nạp thêm năng lượng.

Thủ đô Paris và các đô thị lớn vắng vẻ hẳn xe cộ, các phương tiện giao thông công cộng bớt chen chúc. Trên các tuyến phố chính, người nước ngoài lấn át hẳn dân địa phương.

Vừa tạm thời bước ra khỏi đại dịch, ngành du lịch Pháp năm nay vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó đáng chú ý nhất là tình trạng nắng nóng và khô hạn kéo dài, gây ra cháy rừng ở nhiều điểm đến du lịch ăn khách, đăc biệt là các vùng duyên hải phía Nam và Tây Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cơ quan xúc tiến du lịch Pháp (Atout France) cho biết dòng người du lịch Pháp đã đạt, thậm chí vượt mức năm 2019, thời điểm ngay trước dịch COVID-19.

Nghiên cứu thực hiện vào tháng 6 cho thấy cứ 10 người thì có 7 người bày tỏ ý định đi nghỉ, tăng đến 10% so với năm trước. Tỷ lệ biến ý định thành hiện thực cũng cao hơn hắn.

Lượng khách nước ngoài đến Pháp tăng vọt so với hai năm trước đây, nhờ đó tạo điều kiện để dịch vụ khách sạn-lưu trú, nhà hàng và vận tải khách thành các lĩnh vực đóng góp tích cực vào phục hồi kinh tế. Nhờ đó, kinh tế Pháp đã thoát khỏi tình trạng tăng trưởng âm như một số nền kinh tế lớn khác.

Pháp đã giành thêm thị phần du khách quốc tế từ Tây Ban Nha, điểm đến lớn nhất thế giới, để thu hút nhiều hơn khách từ Liên minh châu Âu.

Giống như tất cả các nước khác, ngành du lịch Pháp đã lao đao trong thời gian dịch bệnh. Hai năm qua, số khách du lịch quốc tế đến Pháp giảm mạnh chỉ còn hơn một nửa, từ mức khoảng 90 triệu người năm 2019 xuống còn trên dưới 50 triệu người năm 2021.

Đến nay, khi phần lớn thế giới đã dỡ bỏ gần hết các biện pháp hạn chế, khách Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa thể trở lại.

Sau dịch bệnh, một bộ phận khá lớn nhân viên chuyển sang ngành khác. Hiệp hội ngành nghề và công nghiệp khách sạn (UMIH) cho biết, do thiếu nhân công, nhiều nhà hàng đã phải rút ngắn thời gia mở cửa, giảm thực đơn phục vụ.

Theo thống kê, du lịch tạo ra nguồn thu khoảng 57 tỷ euro (58,2 tỷ USD), chiếm 8% GDP của Pháp với mức thặng dư 11 tỷ euro.

Kích cầu du lịch nội địa

Suốt hai năm qua, chính phủ đã chi đến 38 tỷ euro để hỗ trợ cho ngành du lịch trụ vững trong khủng hoảng.

Theo gói hỗ trợ chống dịch COVID-19 của chính phủ, nhân viên toàn bộ ngành du lịch, nhà hàng khách sạn vẫn được hưởng lương dù không làm việc hoặc làm việc bán thời gian.

Những biện pháp hỗ trợ này tạo điều kiện để ngành du lịch duy trì được hoạt động, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khách quốc tế.

Những nước châu Âu, điểm đến lớn khác không nhận được sự trợ giúp lớn như vậy. Chính phủ đã kết hợp với các địa phương tổ chức nhiều chiến dịch quy mô lớn quảng bá các điểm đến từ trước đến nay còn vắng vẻ, thu hút những người ưa khám phá.

Catherine N., nhân viên một bệnh viện lớn ở Paris, vừa có kỳ nghỉ ở Benodet, ngôi làng nhỏ vùng Bretagne nhìn ra Đại Tây Dương.

Làng Benodet chỉ có hơn 3.500 dân, nhưng giữa tháng 7 năm nay, số khách du lịch đổ đến đây cao gấp vài lần. Sau vùng Bretagne, gia đình Catherine N. sẽ có một tuần nữa ở vịnh Arcachon, gần thành phố Bordeaux.

Đây là nơi vừa xảy ra đợt cháy rừng lớn, tàn phá nhiều cơ sở du lịch. Bình thường, bà có thể hủy đặt phòng để chuyển sang các địa phương khác vì du lịch vùng này đã bị ảnh hưởng nặng. Thế nhưng Catherine vẫn quyết định đi tiếp. “Tôi phải đến để ủng hộ ngành du lịch địa phương, vì nếu không họ sẽ mất thu nhập”.

Trên khắp nước Pháp, hàng triệu người có suy nghĩ như bà Catherine N., dẫn đến xu hướng du lịch năm nay là tập trung vào nội địa.

Nhưng còn một vấn đề khác nữa làm tăng sức hấp dẫn của các điểm đến trong nước: sức mua giảm mạnh do lạm phát cao, giá nhiên liệu tăng nhanh đã khiến nhiều người Pháp ưu tiên chọn những điểm đến chỉ cách chỗ ở của họ từ 4 giờ đến 6 giờ đi ô tô.

Theo quốc vụ khanh phụ trách du lịch Pháp, trong kỳ nghỉ hè năm nay, ít nhất 60% người Pháp lựa chọn các địa phương của Pháp. Paris, Bordeaux, Marseilles, các vùng biển dọc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải nhiều ánh nắng vẫn là những trung tâm thu hút nhiều du khách trong nước, nhưng nhiều khu vực khác sâu trong nội địa, những vùng núi cao cũng trở thành những điểm đến mới ưa thích, nhờ khai thác loại hình du lịch khám phá, đi dạo trong rừng núi, vượt thác.

Về gần với thiên nhiên đang dần dần trở thành xu hướng mới. Thống kê của Cơ quan xúc tiến du lịch Pháp cho biết vùng núi và nông thôn nay đã chiếm trên 35% thị trường, với mức tăng trên 4% so với năm 2021.

Không chỉ có kỳ nghỉ hè, các tháng kế tiếp cũng hứa hẹn triển vọng rất khả quan. Số đặt phòng trong tháng 9 và tháng 10 dự báo sẽ tăng so với những năm trước từ 4-5%.

Với kết quả này, du lịch tiếp tục đóng vai trò là mũi nhọn quan trọng, hỗ trợ cho tăng trưởng của Pháp và hạn chế tác động tiêu cực từ bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục