Du lịch tăng trưởng vượt bậc, tạo sức hút đầu tư bất động sản

16:47' - 06/04/2019
BNEWS Theo Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, sự lớn mạnh của ngành du lịch Việt Nam đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ…
 Các chuyên gia trao đổi thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN
Ngày 6/4, tại Diễn đàn Bất động sản Du lịch 2019, được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia cho rằng, tốc độ tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch đã đặc biệt kích thích đầu tư vào bất động sản du lịch. Đồng thời, góp phần hấp dẫn các nhà đầu tư bất động sản mở đa dạng dự án, với những sản phẩm, dịch vụ mới.

Theo Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch, sự lớn mạnh của ngành du lịch Việt Nam đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ… Đặc biệt, thị trường bất động sản có dòng vốn dịch chuyển và đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực lưu trú du lịch.

Thống kê chỉ trong vài năm gần đây, số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch… tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam.

Cụ thể, nếu năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng lưu trú, thì đến năm 2018 con số này đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú. Do đó, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.

Các doanh nghiệp giới thiệu nhiều dự án bất động sản du lịch tiềm năng đến nhà đầu tư. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư vào khách sạn, khu nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch…. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng nỗ lực tìm kiếm cơ hội tại các trung tâm du lịch lớn như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu…

Ghi nhận ý kiến một số nhà đầu tư bất động sản du lịch cho biết, yếu tố quyết định đến sức hấp dẫn của bất động sản du lịch là do nó định vị tại điểm đến hấp dẫn du lịch. Ngoài ra, còn phải đảm bảo yếu tố quan trọng là những địa danh gắn liền với các khu du lịch quốc gia, nơi được xác định có giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc và độc đáo, di sản thiên thiên, di sản văn hóa…

Với dự báo xu hướng dòng khách tiếp tục hướng về châu Á – Thái Bình Dương; trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực ASEAN, lĩnh vực bất động sản du lịch vẫn nằm trong các kênh đầu tư hấp dẫn. Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cần lựa chọn đúng địa bàn, loại hình phù hợp với nhu cầu của thế hệ du lịch mới, thời kỳ gắn với cách mạng công nghiệp 4.0.

Liên quan đến xu hướng thị trường bất động sản du lịch, Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam cho hay, lĩnh vực này đang ghi nhận có sự bùng nổ, thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, không ít doanh nghiệp trước đây chỉ đầu tư bất động sản nhà ở hoặc kinh doanh lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào thị trường bất động sản du lịch.

Trên thực tế, hiện nay có một làn sóng phát triển rất sôi động của thị trường bất động sản du lịch ở nhiều địa phương đang có tiềm năng phát triển du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam. Nhưng trước xu hướng phát triển của lĩnh vực bất động sản du lịch, bên cạnh những cơ hội kinh doanh và đầu tư, không ít thách thức đang đặt ra cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Điển hình, cả cơ quan quản lý và các nhà đầu tư đều phải đối mặt với áp lực cao về cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch để đáp ứng cho du khách, song song với sự đổ bộ của hàng loạt dự án bất động sản du lịch lớn vào nhiều địa phương. Ngoài ra, bài toán quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế của địa phương trước xu hướng phát triển này đang cần những giải pháp cụ thể.

Ông Kai Marcus Schoter, Giám đốc điều hành Hospitality Tourism Management cho rằng, Việt Nam có lợi thế để trở thành điểm đến thuận lợi trong thu hút đầu tư bất động sản du lịch, vì được nhận định là điểm kết nối khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại... Mặt khác, Việt Nam còn có tài sản về con người, thiên nhiên, văn hóa bản địa… đáp ứng được những điều mà xu hướng du lịch hiện nay đang tìm kiếm và có thể tạo ra sức hút du khách toàn cầu.

 Các doanh nghiệp giới thiệu nhiều dự án bất động sản du lịch tiềm năng đến nhà đầu tư. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Trong thời gian gần đây, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng phát triển với tốc độ nhanh chóng, dẫn đến người dân có nhu cầu du lịch nhiều hơn, kể cả trong và ngoài nước. Song song đó, thị hiếu người dân và dân khách ưa chuộng tìm kiếm những trải nghiệm mới, điểm đến mới, cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy lĩnh vực bất động sản du lịch tại Việt Nam tăng trưởng.

Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa… là một trong những vấn đề Việt Nam cần được cải thiện.

Khảo sát ở một số địa phương, đang có nhiều dự án bất động sản du lịch đang triển khai, nhưng quy hoạch tổng thể chưa đầy đủ, thiếu quy chuẩn và hình thành văn hóa kiến trúc độc đáo để tạo ra điểm đến khác biệt, cũng như giữ chân du khách.

Trong đó, các nhà đầu tư chưa khai thác hiệu quả tiềm năng để tạo những sản phẩm hấp dẫn,lợi nhuận cao và phát triển bền vững cho thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản du lịch tại Việt Nam cũng đối mặt với khó khăn là tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng công cộng. Để vượt qua khó khăn này, doanh nghiệp cần có trách nhiệm lớn hơn và đồng hành cùng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc cân bằng lợi ích của nhà đầu tư và hạ tầng công cộng. Đặc biệt, các nhà đầu tư được ưu đãi về thuế thì cần có những chia sẻ thiết thực và thực hiện cam kết về đầu tư cơ sở hạ tầng công./.

>>> Xu hướng nào cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục