Du lịch trong nước còn nhiều dư địa

19:21' - 19/04/2021
BNEWS Các chuyên gia cho rằng, du lịch là ngành phục hồi mạnh mẽ nhất sau khi COVID-19 được kiểm soát, do vậy thị trường nội địa là mục tiêu ngành du lịch Việt hướng tới.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, thì cũng sẽ mất từ 2 năm rưỡi - 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực phục hồi ngành du lịch và ngành du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các chuyên gia cho rằng, du lịch là  ngành phục hồi mạnh mẽ nhất sau khi COVID-19 được kiểm soát. Do vậy, cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa là mục tiêu ngành du lịch Việt hướng tới.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch- Nguyễn Trùng Khánh, ngành du lịch xác định năm 2021 du lịch nội địa là hướng đi chủ đạo, chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành du lịch chú trọng triển khai các hoạt động kích cầu du lịch trong nước với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Do vậy theo ông Nguyễn Trùng Khánh, du lịch cần lấy du lịch nội địa làm trọng tâm khai thác. Bên cạnh đó sẽ làm mới sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm du lịch mới để chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Trong bối cảnh như vậy, ngành du lịch đã lên kế hoạch phục hồi bằng việc cùng với phát triển sản phẩm mới, cần làm mới sản phẩm, gia tăng trải nghiệm cho du khách đối với những sản phẩm hiện có, phù hợp với nhu cầu thị trường thay đổi do dịch bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, hình thành và triển khai hiệu quả các liên minh kích cầu, thu hút, trao đổi khách. Việc phối hợp để vừa đảm bảo mục tiêu phục hồi, phát triển, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch, có phương án phản ứng nhanh với mọi tình huống khi dịch có nguy cơ bùng phát.

Ngay trong những tháng đầu năm, Tổng cục Du lịch đã đồng hành cùng các địa phương tại các chương trình, hội nghị như: hội nghị phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế trong trạng thái bình thường mới; phối hợp với tỉnh Ninh Bình chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2021...

Thời gian tới, Tổng cục Du lịch  tiếp tục đồng hành cùng các địa phương tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, đẩy mạnh liên kết, triển khai liên minh kích cầu giữa các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các hãng hàng không; đảm bảo an toàn và quyền lợi của người dân khi đi du lịch.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh đây là thời điểm thuận lợi để các địa phương, doanh nghiệp tích cực hợp tác, hình thành nên các sản phẩm mới, chất lượng đặc biệt tập trung các chương trình hấp dẫn cho dịp nghỉ hè của người dân.

Giám đốc Sở Du lịch Bình Định - ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, đến nay cơ bản dịch đã được khống chế, ngành du lịch Bình Định có nhiều giải pháp để kích cầu du lịch và đặt mục tiêu thu hút khoảng  4 triệu lượt khách, với tổng doanh thu ước đạt 5.200 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu này, ngành du lịch Bình Đình có kế hoạch thực hiện 2 chương trình kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Cụ thể, Bình Đình đã công bố chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “Quy Nhơn - Bình Định điểm đến an toàn, thân thiện, văn minh và hấp dẫn”. Chương trình này tiếp tục tập trung vào thu hút thị trường khách nội địa, với sự tham gia của hơn 38 doanh nghiệp du lịch Bình Định thực hiện các chương trình ưu đãi, giảm giá, kích cầu các dịch vụ lưu trú, lữ hành, vận chuyển, điểm tham quan, ăn uống, mua sắm.

"Chúng tôi cũng muốn tăng cường thêm tính hấp dẫn của du lịch Bình Định với tài nguyên du lịch biển đảo, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng, xây dựng nếp sống văn minh để đảm bảo các hoạt động du lịch không ảnh hưởng đến môi trường” ông Nguyễn Văn Dũng nói.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, Tập đoàn FLC cũng như Bamboo Airways đã triển khai nhiều gói kích cầu trước đó. Tại một số tỉnh, FLC đã phối hợp với địa phương tổ chức các tọa đàm kích cầu, nhạc hội, lễ hội hoa lớn nhất cả nước để thu hút du khách. Bamboo Airways cũng triển khai hình thức nghỉ dưỡng chơi golf, hướng tới mục tiêu người dân đến đâu cũng có thể trải nghiệm môn thể thao này, xây dựng dịch vụ phù hợp với ngân sách của người dân khi tới địa phương.

Đặc biệt mới đây, FLC Quy Nhơn tung một số sản phẩm mới nhằm kích cầu du lịch với gói combo hấp dẫn đã thu hút lương khách khá đông tới FLC Quy Nhơn.

Chị Nguyễn Thị Nga, du khách tới Bình Định chia sẻ, sau thời gian dịch bệnh được kiểm soát, chị lên kế hoạch cùng bạn bè đi dụ lịch. Chị đã lựa trọn FLC Quy Nhơn là nơi nghỉ ngơi, bởi dịp này FLC có gói sản phẩm rất hấp dẫn. Với combo 3 ngày, 2 đêm nghỉ tại FLC, kèm vé máy bay khứ hồi, ăn sáng và một số dịch vụ tham quan với giá chỉ bằng ½ so với trước nhưng vẫn được trải nghiệm dịch vụ tốt nhất. Chị rất hài lòng lần đầu tiên được trải nghiệm tại FLC Quy Nhơn.

Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Flamingo Redtours - ông Nguyễn Công Hoan cho biết, hoạt động du lịch của Việt Nam vẫn đang phát triển tốt so với các nước. Đã có những lần kích cầu nội địa rất thành công, kịp thời và linh hoạt đối phó với các tình huống.

"Trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần kích cầu du lịch nội địa bằng các chương trình mới mẻ, sáng tạo, không chỉ giảm giá mà còn phải làm mới sản phẩm, đa dạng, có thêm khuyến mại về dịch vụ, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch dành cho mỗi khách hàng cần được cá biệt hóa", ông Hoan chia sẻ./.

>>> Mời doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế mùa xuân OTDYKH-20

    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục