Dư luận trước vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc

17:46' - 09/10/2019
BNEWS Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã dẫn dầu đoàn đàm phán nước này tới Washington để tham gia vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Mỹ trong hai ngày 10-11/10.
Trong ảnh (tư liệu, từ trái sang): Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trước vòng đàm phán thương mại ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc ngày 9/10 đồng loạt đưa tin Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã dẫn dầu đoàn đàm phán nước này tới Washington để tham gia vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Mỹ trong hai ngày 10-11/10.

Thành phần trong đoàn đàm phán Trung Quốc tới Mỹ lần này còn có Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương.

Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 12 vòng đàm phán nhằm tháo gỡ căng thẳng thương mại, vốn đang gây thiệt hại cho hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và gây quan ngại cho các nhà đầu tư trong hơn một năm qua.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 7/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng vòng đàm phán tới đây sẽ chấm dứt căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Mạng Kinh tế Trung Quốc nhận định rằng cuộc đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh hai bên vẫn chưa phá tan tảng băng thuế quan cũng như cục diện đối đầu Trung-Mỹ vẫn chưa hòa dịu. Tuy nhiên, đoàn công tác hai bên vừa qua duy trì trao đổi chặt chẽ và tiến hành tham vấn thuận lợi.

Còn tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” cho rằng thành phần phái đoàn Trung Quốc bao gồm các quan chức Bộ Thương mại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Bộ Công nghệ Thông tin và Bộ Nông nghiệp đã phản ánh nội dung nghị sự rộng lớn sẽ được thảo luận tại vòng đàm phán lần này.

Một số nhà phân tích cho rằng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố hồi đầu năm 2018, Trung Quốc cho rằng cuộc chiến thương mại không tác động đến nền kinh tế nước này, đồng thời nhấn mạnh nạn nhân chính là các công ty Mỹ.

Sau đó, Trung Quốc thay đổi quan điểm, cho rằng không ai giành chiến thắng trong cuộc chiến về hải quan hay công nghệ.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9 vừa qua, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh "thuế quan và tranh chấp thương mại - vốn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu - đang làm suy yếu chủ nghĩa đa phương cũng như trật tự kinh tế và thương mại toàn cầu. Nó thậm chí còn có thể khiến cả thế giới rơi vào suy thoái".

Theo ông Vương Nghị, với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc và mức độ phụ thuộc lẫn nhau, sự tách rời nhau giữa các nền kinh tế là điều không mong muốn cũng như không thực tế.

Các nhà phân tích kinh tế đánh giá dường như Trung Quốc lo ngại cuộc chiến công nghệ hơn là việc tăng thuế.

Tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 5/10 đăng bài viết cho rằng "hợp tác cùng thắng nên là mục tiêu của tất cả các quốc gia công nghệ lớn".

Hiện Trung Quốc nhận thấy mức tăng trưởng kinh tế 6% năm 2019 là không chắc chắn. Theo Nhân dân Nhật báo ngày 25/9, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định nhưng hầu hết các chỉ số trong các ngành như ô tô, điện tử, công nghiệp truyền thống, xây dựng, bất động sản và dịch vụ thông tin là xấu.

Trước vòng đàm phán thứ 13 này, Trung Quốc và Mỹ đã có một số nhượng bộ. Trung Quốc tuyên bố bỏ phụ phí hải quan đối với 18 loại sản phẩm của Mỹ, trong đó có thịt lợn và đậu nành và lần đầu tiên cấp phép cho PayPal - công ty nước ngoài có trụ sở tại California thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đồng ý hoãn tăng thuế từ 25% lên 30% từ  ngày 1/10 đến ngày 15/10 đối với 250 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.

Tuy vậy, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng nhượng bộ khi thời hạn tăng thuế tiếp của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào 15/10./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục