Đưa các sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch ở Lào Cai

08:21' - 02/11/2017
BNEWS Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều hiệu quả cụ thể.

Đặc biệt, Lào Cai đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp bản địa trở thành những sản phẩm phục vụ du lịch bước đầu đã khẳng định được thương hiệu với du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ năm 2015 tỉnh Lào Cai đã tiến hành hợp tác phát triển với tỉnh Lâm Đồng để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, hợp tác đầu tư và xúc tiến thương mại.

Tỉnh Lâm Đồng đã giúp các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh Lào Cai học tập về kỹ thuật sản xuất, quy trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ công nghệ, cung cấp các loại hạt giống chất lượng cao để thực hiện nhiều mô hình sản xuất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa.

Từ sự hợp tác trên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều chuyển biến.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có gần 800 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đang có trên 8.000 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 110 tỷ đồng.

Đặc biệt, từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định trao nhãn hiệu tập thể cho 5 sản phẩm mới tại tỉnh lào Cai gồm: Khoai môn và thịt trâu sấy của huyện Bảo Yên; Hoa Sa Pa của huyện Sa Pa; Rau Bắc Hà và Chè Shan Bắc Hà của huyện Bắc Hà.

Thịt trâu sấy từ lâu đã là món ẩm thực nổi tiếng, đặc trưng của huyện Bảo Yên bởi chất lượng thơm ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không chất phụ gia bảo quản. Sản phẩm này được chế biến theo phương thức thủ công truyền thống, với các công đoạn và gia vị độc đáo, mang đậm bản sắc của vùng đất Bảo Yên.

Khoai môn Bảo Yên được trồng chủ yếu tại xã Việt Tiến, Long Phúc, Long Khánh, Xuân Thượng, là cây trồng đặc sản có tiếng không chỉ ở Bảo Yên mà toàn miền Bắc, bởi chất lượng củ thơm ngon, bở, dẻo, có giá trị dinh dưỡng cao…

Hoa Sa Pa là dự án do Công ty Inforest (Hà Nội) thực hiện từ năm 2015, ngày 20/6/2017 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho hai nhóm sản phẩm: Hoa hồng, hoa ly, địa lan kiếm hồng hoàng và mua bán các loại hoa tươi.

Dự án Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Rau Bắc Hà” và “Chè Shan Bắc Hà” đã được Viện thổ nhưỡng nông hóa và Công ty cổ phần đầu tư Waper thực hiện từ năm 2015 đến nay.

Sau 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả như: xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rau và chè Shan Bắc Hà; xác định mẫu nhãn hiệu tập thể cho 2 loại sản phẩm này và đăng ký bảo hộ; xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể sau khi nhãn hiệu được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận và xây dựng hệ thống nhận diện cho sản phẩm. Huyện Bắc Hà cũng là địa phương có hai sản phẩm nông nghiệp được nhiều du khách ưa thích là Mận Tam Hoa và Lê Tai Nung.

Việc nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế, tính cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường và tạo ra những đặc sản vùng miền đặc sắc riêng của từng địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai phục vụ cho hoạt động thu hút du lịch tốt hơn.

Ngoài ra, dự kiến ngày 20/11 tới, huyện Mương Khương cũng sẽ tổ chức một lễ hội để đón nhận nhãn hiệu tập thể “Quýt Mường Khương” do Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ trao. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu thương hiệu Quýt Mường Khương với du khách xa gần.

>>>Bảng giá đất tỉnh Lào Cai mới nhất năm 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục