Đưa hàng Việt về nông thôn để đẩy lùi hàng lậu

12:33' - 19/09/2022
BNEWS Là tỉnh biên giới như An Giang, việc đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới còn có tác dụng rất lớn trong việc đẩy lùi hàng lậu, hàng không có nguồn gốc rõ ràng.

Ngày 19/9, tại thị xã Tân Châu, An Giang, Sở Công Thương tỉnh An Giang phối hợp với Siêu thị Tứ Sơn (Châu Đốc, An Giang) tổ chức tổng kết 99 chuyến hàng Việt và phát động đưa hàng Việt về nông thôn trong những tháng cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang.

 


Theo Sở Công Thương An Giang, mỗi năm tỉnh có hàng chục phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn; trong đó có những phiên được xem là "trọng điểm", thu hút hàng nghìn lượt người tham quan mua sắm, doanh số trên dưới 1 tỷ đồng. Những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang đều tạo được dấu ấn mạnh mẽ đối với người tiêu dùng với giá cả hợp lý và xuất xứ rõ ràng.

Có những thời điểm, chương trình còn được nâng lên 1 bậc với tên gọi "Tuần lễ tự hào hàng Việt" với quy mô ngày càng lớn, chuyên nghiệp, đem lại nét mới cho chương trình hàng Việt về nông thôn, giúp người tiêu dùng trong tỉnh ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt.
Hiện An Giang đã đưa 1.000 chuyến hàng Việt về nông thôn. Riêng năm 2022, Sở Công Thương phối hợp với Siêu thị Tứ Sơn tổ chức 99 chuyến xe đưa "Hàng Việt về nông thôn" tại khắp các huyện, thị trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút khoảng 110 ngàn lượt tham quan, mua sắm; tổng doanh số bán hàng đạt trên 1,2 tỷ đồng. Chương trình nhận được sự hỗ trợ rất tích cực từ chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh. Hiệu quả đem lại của các chuyến hàng Việt thể hiện rõ nét khi ngày càng nhận được nhiều sự đồng hành của các nhà sản xuất hàng chất lượng cao trong nước.

Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

"Là tỉnh biên giới như An Giang, việc đưa hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới còn có tác dụng rất lớn trong việc đẩy lùi hàng lậu, hàng không có nguồn gốc rõ ràng, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm hàng hóa, uy tín, chất lượng của doanh nghiệp Việt", ông Huân nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp đi đầu đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn tại An Giang, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn khẳng định, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn thời gian qua đã có sức lan tỏa và tác động sâu rộng đến người tiêu dùng, góp phần khởi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần giúp doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Để sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có thị trường tiêu thụ, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành trong cả nước đến tay người tiêu dùng An Giang, ông Sơn đề nghị, thời gian tới, các chuyến xe lưu động đưa hàng Việt về nông thôn ở An Giang cần đẩy mạnh, tập trung đưa các sản phẩm OCOP không  chỉ của An Giang mà sản phẩm OCOP của nhiều tỉnh, thành trong cả nước đến tay người tiêu dùng nông thôn, giống như hàng Việt chinh phục thành công thị trường nông thôn.
Trong 3 tháng cuối năm 2022, Sở Công Thương tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phối hợp với Siêu thị Tứ Sơn tổ chức thêm 10 chuyến hàng Việt và phiên chợ hàng Việt cuối tuần để phục vụ nhu cầu mua sắp gia tăng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 sắp tới.
Để thực hiện thắng lợi hơn nữa Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong những tháng cuối năm 2022 và các năm tiếp theo, Sở Công Thương tỉnh An Giang đề nghị Siêu thị Tứ Sơn chuẩn bị hàng hóa sản xuất trong nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chọn các mặt hàng, sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng nông thôn, nhất là các mặt hàng chủ lực, hàng nhãn riêng của đơn vị để bán; thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đánh giá cao các chuyến xe hàng Việt về nông thôn được triển khai trên địa bàn An Giang, đây là kênh tiêu thụ hàng Việt hiệu quả, tạo điều kiện để nhân dân được tiếp cận với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, với giá cả hợp lý phù hợp với thu nhập của người dân, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục