Đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia

21:32' - 24/05/2019
BNEWS Cơ chế và chính sách đặc thù của Chính phủ hỗ trợ Ninh Thuận phát triển năng lượng tái tạo, lôi cuốn được nhiều nhà đầu tư.
Quang cảnh hội thảo . Ảnh: Công Thử - TTXVN

Tại hội thảo khoa học "Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo quốc gia" được tỉnh Ninh Thuận tổ chức chiều 24/5, các nhà khoa học và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đều đánh giá cao tiềm năng và lợi thế của tỉnh Ninh Thuận trong phát triển năng lượng tái tạo.
Cùng với các Nghị quyết, các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đây là điều kiện để Ninh Thuận thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo; qua đó thúc đẩy phát triển, sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia.
Tại hội thảo, ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học - Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, Quyết định 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã mang lại cơ hội mới cho tỉnh Ninh Thuận.
Cơ hội càng trở nên rõ ràng hơn khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 - 2023; trong đó chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Với điều kiện đó, tỉnh Ninh Thuận đã chủ động lập quy hoạch phát triển, mạnh dạn đề xuất với Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù và đưa ra chính sách riêng hợp với quy định của pháp luật để thu hút đầu tư; đồng thời trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư đến tiềm hiểu lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Nhà máy điện mặt trời BIM ở Ninh Thuận đã được đưa vào vận hành thương mại. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cơ chế và chính sách đặc thù của Chính phủ hỗ trợ Ninh Thuận phát triển năng lượng tái tạo, lôi cuốn được nhiều nhà đầu tư.

Cơ chế ưu đãi của Chính phủ, cụ thể là chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai đã thực sự tạo sức ép đối với các dự án nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Theo đó, đến cuối năm 2020, đưa các dự án này đi vào khai thác để được hưởng giá mua điện ưu đãi.
Bên cạnh đó, xu hướng giảm chi phí đầu tư tại các địa phương có tiềm năng như các tỉnh Ninh Thuận hay Bình Thuận đã tạo nên sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời. Đây là vấn đề đáng lưu tâm, bởi nó sẽ làm trầm trọng hơn vấn đề quá tải lưới điện hiện nay.
Để giải quyết vấn đề đó, Chính phủ cần điều chỉnh tiến độ và bổ sung một loạt dự án đường dây và trạm 220 KV, 500 KV để có thể đáp ứng được công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở những khu vực có tiềm năng như Ninh Thuận.

Nhà máy điện gió Mũi Dinh (Ninh Thuận) đã chính thức hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng, Đại học Kinh tế quốc dân, để biến tiềm năng và quyết tâm thành hiện thực, Ninh Thuận cần huy động và bảo đảm được các điều kiện cần thiết tương ứng về các nguồn lực như thiết bị công nghệ, vốn đầu tư, đất đai và nhân lực...
Bên cạnh đó, ngoài sự quyết tâm và nỗ lực của tỉnh cũng cần có sự tham gia giải quyết của nhiều cơ quan, bao gồm từ Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Có vậy mới mang lại kết quả như mong muốn để Ninh Thuận sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Với sự chuẩn bị trong quá trình nghiên cứu tiềm năng, lợi thế, Ninh Thuận là địa phương tiên phong chủ động lập quy hoạch phát triển điện mặt trời, trình Bộ Công Thương.

Đây là cơ sở quan trọng để đến nay Ninh Thuận được Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào sơ đồ điện VII với 30 dự án điện mặt trời, tổng công suất hơn 1.800MW (tương ứng 2.271MWp), tổng vốn đăng ký hơn 50.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện Ninh Thuận đã vượt lên dẫn đầu cả nước với 8 dự án điện gió và điện mặt trời đã được đưa vào vận hành thương mại; trong đó điện gió có 3 dự án, tổng công suất 116,925 MW, sản lượng điện khoảng 900.000 kwh/ngày và điện mặt trời có 5 dự án, tổng công suất 631MWp, sản lượng điện khoảng 3382.000 kwh/ngày.
Dự kiến đến cuối năm 2019, Ninh Thuận sẽ có thêm 13 dự điện mặt trời với tổng công suất 686 MWp được đưa vào vận hành thương mại; nâng tổng công suất điện mặt trời đưa vào vận hành là 1.317 MWp, góp phần quan trọng vào giải quyết sự thiếu hụt trầm trọng nguồn năng lượng Việt Nam và chính thức trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục