Ninh Thuận thu hút đầu tư điện mặt trời áp mái

20:59' - 04/03/2019
BNEWS Chiều 4/3, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp và người dân có điều kiện tham gia đầu tư phát triển loại hình năng lượng sạch này.
Một số trụ sở cơ quan ở tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư lắp đặt, đưa điện mặt trời áp mái vào sử dụng. Ảnh: Công Thử - TTXVN 

Nhằm cụ thể hóa Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về cơ chế giá hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; trong đó có điện mặt trời áp mái, chiều 4/3, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp và người dân có điều kiện tham gia đầu tư phát triển loại hình năng lượng sạch này.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao lợi ích đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái, nhất là địa phương có nhiều tiềm năng lớn về nắng như tỉnh Ninh Thuận. Với vốn đầu tư không quá lớn, lắp đặt nhanh, không tốn diện tích đất, đồng thời có chính sách khuyến khích phát triển… nên loại hình điện mặt trời áp mái đang thu hút nhiều doanh nghiệp và người dân có điều kiện thực hiện đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Tiên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết, điện mặt trời áp mái được đầu tư sẽ góp phần giảm chi phí đáng kể cho việc thanh toán, tiêu thụ điện hiện nay của người dân và doanh nghiệp; đồng thời cũng mang lại lợi ích cho ngành điện; giảm được áp lực đầu tư cho ngành điện…

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay đối với điện mặt trời áp mái là thủ tục pháp lý; thủ tục đấu nối công tơ 2 chiều; cơ chế thanh toán hai chiều; thuế… chưa được cụ thể hóa.

Do vậy muốn phát triển loại hình điện mặt trời áp mái Bộ Tài chính phải sớm có hướng dẫn cụ thể, hoặc Thông tư liên Bộ Tài chính - Công Thương hướng dẫn phương thức thanh toán điện, thuế giá trị gia tăng và hóa đơn trong hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các doanh nghiệp, hộ dân tham gia trước khi đầu tư, nối lưới.

Ông Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cho biết, chính sách hỗ trợ vốn vay đầu tư cho phát triển điện mặt trời áp mái cũng chưa được nói đến.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa có cơ chế ưu tiên hỗ trợ cho vay đầu tư. Do vậy Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh chưa thể hướng dẫn các ngân hàng thương mại triển khai cho vay.

Các ngân hàng thương mại ở tỉnh luôn ủng hộ chủ trương về đầu tư phát triển điện mặt trời áp mái tại địa phương, thế nhưng quan tâm lớn nhất hiện nay đối với các ngân hàng đó là hiệu quả của dự án mang lại.

Người dân cũng như các doanh nghiệp muốn thực hiện điện mặt trời áp mái phải biết rõ đơn vị cung cấp thiết bị, chất lượng trang thiết bị lắp đặt để nắm được suất đầu tư cần vay.

Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, ông Đinh Xuân Sơn khẳng định, dự án điện mặt trời áp mái đầu tư tương đối lớn, tuy nhiên ngân hàng sẵn sàng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân có điều kiện vay đầu tư theo hình thức trung hạn hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi. Qua đó có thời gian thu tiền từ nguồn điện dư bán cho EVN để trả dần tiền vay cho ngân hàng.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sau khi Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến điện áp mái của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo ngay lĩnh vực này.

Theo ông Phạm Văn Hậu đây là lĩnh vực hiệu quả nhất không liên quan đến vấn đề truyền tải - một trong những vướng mắc lớn hiện nay trong phát triển năng lượng tái tạo; đồng thời nguồn lực này được xã hội hóa trong dân hiệu quả.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại tỉnh và các đơn vị cung cấp thiết bị lắp đặt… làm rõ lợi ích cũng như hiệu quả mang lại của dự án; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Phạm Văn Hậu cho biết thêm, Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tuy đã xử lý được một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực này nhưng vấn đề lớn nhất là cơ chế thanh toán điện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan.

Mặc dù EVN cũng đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành về hướng xử lý cơ chế thanh toán này.

Để phát triển điện mặt trời áp mái thì cơ chế thanh toán điện cần sớm được Chính phủ chỉ đạo ban hành ngay hướng dẫn, bởi trước đây là cơ chế bù trừ điện năng, nay là thanh toán song song. Bên cạnh đó cần có chính sách tín dụng cho người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư, để đẩy nhanh phát triển lĩnh vực này.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã đề nghị Công ty Điện lực Ninh Thuận triển khai, hướng dẫn các thủ tục lắp đặt đồng hồ 2 chiều đến các tổ chức, cá nhân.

Công ty Điện lực Ninh Thuận cũng đã hướng dẫn thủ tục đăng ký mua bán điện mặt trời áp mái; yêu cầu đặc tính kỹ thuật hệ thống điện mặt trời nối vào lưới điện hạ áp; biên bản thỏa thuận tạm thời về việc xác nhận chỉ số công tơ và điện năng giao nhận…

Tính đến cuối tháng 2/2019, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã lắp đặt cho 29 khách hàng (14 khách hàng sinh hoạt, tương ứng 22 công tơ 1 pha; 15 khách hàng ngoài sinh hoạt, tương ứng 7 công tơ 3 pha) với tổng công suất 302,75 KWp, tổng sản lượng điện phát lên lưới hơn 100.000 KWh.

Ngoài ra một số trụ sở cơ quan trong tỉnh cũng đã lắp đặt điện mặt trời trên mái với công suất gần 115 KWp, sản lượng điện phát lên lưới gần 65.000 KWh điện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục