Đức bị cáo buộc trục lợi từ việc đồng euro mất giá

21:32' - 05/02/2017
BNEWS Cố vấn cấp cao Peter Navarro của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng chỉ trích nước Đức đã lợi dụng việc đồng euro xuống giá để trục lợi.
Đức bị cáo buộc trục lợi từ việc đồng euro mất giá. Ảnh minh họa: reuters
Tuy Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng phủ nhận lời công kích này, nhưng các nhà kinh tế học cũng đồng tình với nhận định đồng euro đang bị định giá thấp hơn giá trị thật. 

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi năm 2016 cho biết đồng euro đang bị định thấp hơn từ 0 – 20% trên cả khu vực Eurozone. Nhưng với Đức, giá trị đồng euro lại thấp hơn từ 10 - 20%, khiến Đức trở thành quốc gia có tỷ giá hối đoái thấp nhất trong số 29 nước và vùng lãnh thổ được IMF khảo sát. 

Theo chuyên gia kinh tế Jennifer McKeown của Capital Economics, các nhà xuất khẩu của Đức đang được hưởng lợi lớn nhất từ việc đồng euro mất giá. Đã có nhiều lời cáo buộc rằng Đức đang lợi dụng chính sách tiền tệ siêu lỏng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để trục lợi từ quan hệ thương mại với châu Âu và Mỹ. 

Thủ tướng Merkel đã lên tiếng phản đối những chỉ trích trên, khi khẳng định Đức luôn ủng hộ việc ECB đưa ra các chính sách độc lập và không hề can thiệp vào các hoạt động của ECB. 

Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble cũng phát biểu hôm thứ Sáu (3/2) rằng nền kinh tế Đức hoàn toàn có thể đối phó được với việc đồng euro tăng giá. Trước đó hồi giữa tháng 1/2017, các nhà kinh tế và nhà bình luận của Đức đã kêu gọi ECB tăng lãi suất và kết thúc chương trình mua trái phiếu. Nhưng ông Wolfgang cũng nhận định giống với các chuyên gia kinh tế rằng động thái đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đền các nền kinh tế thuộc Eurozone khác như Hy Lạp. 

Tháng trước, đồng euro đã rơi xuống mức thấp kỷ lục 1 euro đổi 1,0339 USD. Chính sách tiền tệ siêu lỏng mà ECB thực hiện đã đẩy giá trị đồng euro đi xuống và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của các nước thuộc khu vực Eurozone, trong đó có Đức. Kể từ giữa năm 2014, đồng euro đã mất tới 20% giá trị so với đồng USD. 

Xuất khẩu vốn đóng góp tới gần một nửa giá trị của nền kinh tế Đức với 9,5% hàng hóa được xuất sang Mỹ và 35% sang các quốc gia trong khối Eurozone. Năm 2015, Mỹ lần đầu tiên vượt Pháp để trở thành quốc gia nhập khẩu hàng hóa từ Đức nhiều nhất nhờ nền kinh tế đang phục hồi và giá trị đồng euro xuống thấp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục