Đức chi 1,5 tỷ euro mua khí đốt dự trữ

08:38' - 02/03/2022
BNEWS Để đối phó với nguy cơ thiếu khí đốt vào mùa Đông cũng như phản ứng với hành động của Nga ở Ukraine, Chính phủ liên bang Đức đã chi 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD) để mua khí đốt dự trữ cho tương lai gần.

Giới chức Chính phủ Đức đã xác nhận thông tin được đăng trên cổng thông tin "The Pioneer" nêu trên. Bộ Tài chính Đức đã "bật đèn xanh" cho một đề xuất tương ứng của Bộ Kinh tế liên bang.

Việc thanh toán để mua lượng khí đốt dự trữ này được tiến hành rất nhanh chóng và không thông qua Ủy ban Ngân sách Quốc hội như thường lệ. Dự kiến lô khí đốt đầu tiên về tới Đức trong ngày 1/3.

Trong khi đó, để độc lập hơn với nguồn cung cấp năng lượng của Nga, Đức đặt mục tiêu hướng tới sản xuất điện hoàn toàn từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2035.

Kế hoạch này phù hợp với mục tiêu đã thống nhất trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Đức đặt lộ trình đến năm 2030, tỷ trọng điện gió hoặc năng lượng Mặt Trời sẽ chiếm 80%.

Cụ thể, tới năm 2030, công suất năng lượng gió trên đất liền sẽ tăng gấp đôi lên 110 gigawatt, trong khi năng lượng gió trên biển tới năm 2030 cũng sẽ đạt 30 gigawatt, tương đương công suất của 10 nhà máy điện hạt nhân.

Đối với năng lượng Mặt Trời, tới năm 2030, công suất điện từ nguồn này cũng sẽ tăng gấp 3 lần, lên 200 gigawatt. Kế hoạch hiện đã được đưa vào Đạo luật năng lượng tái tạo (EEG) sửa đổi và dự kiến sớm được Quốc hội thông qua để có thể có hiệu lực trước tháng 7 tới.

Chính phủ Đức cũng thông qua luật hỗ trợ người tiêu dùng liên quan việc loại bỏ phụ phí EEG trên giá điện, vốn được sử dụng để trợ cấp phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Theo đó bắt đầu từ tháng 7 tới, phụ phí sẽ được tài trợ trực tiếp từ ngân sách liên bang, và một hộ gia đình có thể tiết kiệm trung bình khoảng 150 euro/năm.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng liên bang Đức Robert Habeck, chính sách năng lượng cũng là chính sách an ninh và việc chuyển đổi năng lượng phải được thúc đẩy ở cấp độ châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục