Đức kéo dài lệnh kiểm soát biên giới để chống dịch COVID-19

10:30' - 05/05/2020
BNEWS Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer cho biết nước này đã quyết định kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sỹ, Pháp, Luxemburg và Đan Mạch cho tới ngày 15/5.

Các quan chức Đức ngày 4/5 đã cảnh báo hành động quá vội vàng trong việc mở cửa biên giới, trong bối cảnh số liệu mới nhất cho thấy số ca nhiễm mới COVID-19 ở châu Âu chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt.

Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer cho biết nước này đã quyết định kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sỹ, Pháp, Luxemburg và Đan Mạch cho tới ngày 15/5 và sẽ dần nới lỏng các hạn chế sau đó. Các quy định liên quan tới các chuyến bay từ Tây Ban Nha và Italy cũng sẽ được tiếp tục gia hạn. Bộ trưởng Seehofer cũng cảnh báo việc mở cửa biên giới giữa Áo và Đức quá vội vàng, đồng thời nhấn mạnh nếu dịch COVID-19 chưa được ngăn chặn, Đức sẽ vẫn phải hạn chế đi lại.

Những tuyên bố trên được đưa ra giữa lúc Chính phủ Áo và Cộng hòa Czech muốn nhanh chóng dỡ bỏ lệnh đóng cửa biên giới nhằm cứu vãn ngành du lịch đang gặp khó khăn. Người Đức nằm trong nhóm du khách quan trọng nhất của Áo. Từ giữa tháng Ba, Đức đã thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ biên giới với 5 nước láng giềng châu Âu nêu trên.

Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, cần tiếp tục duy trì việc đóng cửa biên giới ở châu Âu chừng nào còn cần thiết. Ông cũng cho rằng trong trường hợp mở cửa biên giới, Chính phủ Đức sẽ phải thực hiện kiểm soát và điều phối, không để những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19 bị đổ bể. Ông cho biết chỉ có thể dỡ bỏ cảnh báo đi lại trên toàn cầu khi những quy định về nhập cảnh và cách ly được nới lỏng.

Việc áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội cũng như đóng cửa biên giới khiến nhiều ngành nghề của Đức thiệt hại nặng nề. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch của Đức Norbert Fiebig cho hay doanh thu của ngành du lịch nước này tính tới giữa tháng Sáu tới có thể thiệt hại ít nhất 10,8 tỷ euro (11,7 tỷ USD) khi mọi hoạt động của các công ty và đơn vị tổ chức du lịch hầu như bị tê liệt do các quy định chống dịch.

Trong khi đó, chỉ số kinh doanh của các nhà sản xuất ô tô Đức thậm chí còn tụt xuống mức thấp nhất kể từ khi nước Đức tái thống nhất. Theo Viện nghiên cứu Ifo, chỉ số này đã giảm từ -13,2 xuống -85,4 điểm trong tháng 4/2020, mức thấp hơn cả thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009 (ở mức -82,9 điểm). Chỉ số kỳ vọng vào hoạt động của ngành ô tô trong 3 tháng tới cũng giảm từ -34,6 xuống -45,7 điểm.

Về việc phát triển vắc-xin đặc trị COVID-19 ở Đức, Bộ trưởng Nghiên cứu liên bang Anja Karliczek cảnh báo không nên quá kỳ vọng vào việc sớm có vắc-xin. Theo bà, vắc-xin chỉ có thể có sớm nhất vào giữa năm 2021 và thông thường việc phát triển một vắc-xin như vậy phải mất nhiều năm, bởi phải trải qua nhiều giai đoạn trước khi được tung ra thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục