Đức lên kế hoạch áp trần giá điện để giảm tải cho người tiêu thụ

08:27' - 20/10/2022
BNEWS Chính phủ Đức có kế hoạch áp đặt mức trần giá điện đối với các hộ gia đình và ngành công nghiệp để giảm bớt tác động do chi phí năng lượng tăng cao.

Thông tin này được đưa ra theo một kế hoạch chung của Phủ Thủ tướng, Bộ Kinh tế và Bộ Tài chính liên bang Đức, được truyền thông công bố ngày 19/10.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, để có nguồn tài chính nhằm áp đặt mức giá trần cũng như ổn định mạng lưới truyền tải điện, Chính phủ Đức đang cân nhắc lấy vào một số khoản lợi nhuận của các công ty điện lực. Kế hoạch này sẽ cũng được tài trợ từ gói cứu trợ trị giá 200 tỷ euro (195,39 tỷ USD) mà Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố hồi cuối tháng trước nhằm giúp các hộ gia đình và công ty ứng phó với giá năng lượng tăng cao tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.

Kế hoạch nêu trên không cho biết cụ thể số tiền được lấy ra từ gói cứu trợ cũng như khoản lợi nhuận cụ thể mà các công ty điện phải bỏ ra. Mức giá trần, không được nêu cụ thể trong kế hoạch, sẽ dựa trên mức tiêu thụ điện hằng năm trước đây và được xây dựng tương tự như giá trần khí đốt vốn được Chính phủ Đức thông báo hồi đầu tháng này.

Tuy nhiên, không giống như đề xuất cứu trợ cho người dùng khí đốt, dự thảo nêu trên không bao gồm khoản thanh toán một lần để trang trải cho một tháng hóa đơn tiền điện trong năm nay.

Truyền thông Đức dẫn nội dung dự thảo kế hoạch cho biết, Berlin có thể cắt 90% lợi nhuận mà các công ty thu được ngoài chi phí sản xuất. Đối với giá điện giao ngay, thuế sẽ được áp dụng hồi tố tới 80% từ tháng 3/2022, trong khi giá giao kỳ hạn sẽ được áp dụng từ tháng 12 tới.

Việc sản xuất điện từ than cứng, khí đốt tự nhiên và metan sinh học với chi phí cao sẽ không thuộc đối tượng áp dụng quy định mới. Văn kiện trên hiện được sử dụng trong quá trình thương thảo với các hiệp hội liên quan.

Dự kiến, một dự luật về vấn đề này sẽ được Chính phủ Đức thông qua vào ngày 18/11 và sau đó được Quốc hội liên bang biểu quyết vào ngày 2/12 trước khi đưa ra bỏ phiếu ở Hội đồng liên bang vào ngày 16/12.

Thông tin trên đã ngay lập tức tác động tới tình hình tài chính của các công ty điện. Cổ phiếu của RWE - công ty sản xuất điện lớn nhất của Đức và là một trong những công ty có nguy cơ bị tác động lớn với kế hoạch trên, đã sụt giảm 1,5% sau thông tin về kế hoạch của chính phủ. Cho tới nay, Italy và Anh đã thực hiện áp đặt loại thuế tương tự, trong khi Tây Ban Nha cũng tạm thời áp dụng quy định này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục