Đức sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm 2022

08:11' - 01/06/2022
BNEWS Ngày 31/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức và Ba Lan mong muốn chấm dứt việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay.

Phát biểu sau Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels ngày 31/5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức và Ba Lan mong muốn chấm dứt việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay, bất chấp các ngoại lệ liên quan lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga mà EU vừa đưa ra.

 

Trước đó, sau hai ngày họp, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt cấm vận đối với việc nhập khẩu dầu mỏ của Nga qua đường biển, ngoại trừ việc vận chuyển qua hệ thống các đường ống.

Như vậy, nguồn cung dầu từ Nga vẫn tiếp tục chảy tới châu Âu thông qua các nhánh của hệ thống đường ống "Druzhba", qua đó Hungary, Cộng hòa Czech, Slovenia, Ba Lan và cả Đức vẫn có thể nhận dầu từ Nga.

Tuy nhiên, Chính phủ liên bang Đức và Ba Lan tuyên bố cũng muốn từ bỏ nhập khẩu dầu theo cách này. Theo Thủ tướng Đức, lệnh cấm vận này sẽ tác động tới khoảng 90% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào EU, tác động tới các điều kiện phát triển kinh tế và sự thịnh vượng của Nga.

Ông Scholz cho rằng các biện pháp trừng phạt mà EU đưa ra với Nga nhằm mục đích gây sức ép để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Nhà lãnh đạo Đức cũng bảo vệ cho những ngoại lệ trong lệnh cấm vận, cho rằng những nước như Hungary, Slovakia và Czech khó có thể nhanh chóng chấm dứt các biện pháp quá độ như những nước thành viên khác.

Về phần mình, Thủ tướng Scholz nêu rõ Đức sẽ tiếp tục nỗ lực để tới cuối năm 2022 có thể ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga, đồng thời cho biết quốc gia láng giềng của Đức là Ba Lan cũng sẽ có nỗ lực tương tự. Bên cạnh đó, Đức cũng sẽ không ngừng nỗ lực để giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.

Theo Bộ Kinh tế Đức, nhu cầu khí đốt của nước này hiện vẫn phụ thuộc khoảng 35% từ Nga và chỉ có thể chấm dứt việc nhập khí đốt của Nga vào mùa Hè năm 2024.

Ông Scholz cũng cho biết Đức đã đạt được nhưng bước tiến trong lĩnh vực này và đang dốc lực xây dựng các trạm tiếp nhận khí hoá lỏng cũng như các cơ sở hạ tầng cần thiết để nhập khí đốt từ những nước khác.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận còn rất nhiều nước châu Âu khác sẽ phải phụ thuộc lâu hơn vào nguồn khí đốt của Nga./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục