Đức thông qua gói biện pháp thứ hai đối phó với vấn đề di cư

20:55' - 03/02/2016
BNEWS Ngày 3/2 Đức đã thông qua gói biện pháp thứ 2 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Biện pháp lần này tập trung siết chặt việc quản lý, bố trí và trục xuất người tị nạn.
Đức thông qua gói biện pháp thứ hai đối phó với vấn đề di cư. Ảnh: Reuters/TTXVN

Quy định mới quan trọng nhất của gói biện pháp này là thành lập các cơ sở chuyên tiếp nhận người di cư, tại đây đơn của họ sẽ được xem xét ở chế độ nhanh.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, nội các nước này cũng cho rằng nên coi các nước Algeria, Maroc và Tunisia là những "nước an toàn", có nghĩa là người tị nạn tới Đức từ các nước này hầu như không có cơ hội được ở lại Đức và thời gian xét hồ sơ trục xuất họ sẽ được rút ngắn đáng kể.

Các cơ sở tiếp nhận cũng có thể xét duyệt hồ sơ người tị nạn và những trường hợp bị bác đơn có thể bị trục xuất trực tiếp ngay từ các cơ sở tiếp nhận đầu tiên. Những trường hợp người tị nạn không tuân thủ các thủ tục xét duyệt hồ sơ hay các yêu cầu của nhà chức trách, như không trung thực khi khai báo nhân thân hay từ chối lấy dấu vân tay, cũng sẽ bị nhanh chóng trục xuất.

Thời gian xét duyệt hồ sơ chỉ trong vòng một tuần, trường hợp người tị nạn bị bác đơn kháng cáo có thể được giải quyết trong 2 tuần. Trong thời gian xét hồ sơ, người tị nạn phải tạm trú trong cơ sở tị nạn và họ sẽ chỉ nhận được trợ cấp khi ở đúng cơ sở được phân và tuân thủ các trách nhiệm của mình.

Chính phủ Đức cũng đồng ý cho phép người tị nạn đã hoàn thành tốt khóa học nghề được làm việc tối thiểu 2 năm tại Đức. Chi phí cho khóa học nhập cư sẽ do nhà nước chi trả, song người di cư cũng sẽ phải đóng góp 10 euro/tháng.

Ngoài ra, để quản lý tốt hơn dòng người tị nạn, việc đoàn tụ gia đình với các trường hợp được "bảo vệ thứ yếu" sẽ bị tạm dừng trong 2 năm. Các trường hợp lợi dụng kiểm tra y tế để được ở lại cũng sẽ bị phạt nặng, tuy nhiên giới chức Đức cũng sẽ lưu tâm tới các trường hợp bị bệnh nặng mà việc trục xuất có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Đức sẽ cung cấp giấy thông hành để những trường hợp mất giấy tờ hoặc cố tình bỏ giấy tờ, cũng sẽ bị trục xuất khỏi nước này.

Để có hiệu lực, gói dự luật cần được các nghị sĩ Đức phê chuẩn và Tổng thống Đức ký ban hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục