Đức: Tình trạng thiếu đơn đặt hàng mới ngày càng tăng

07:42' - 07/02/2024
BNEWS Theo một cuộc khảo sát mới của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo (Đức), tình trạng thiếu đơn hàng mới của các doanh nghiệp nước này ngày càng gia tăng, gây căng thẳng cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Kết quả khảo sát của Viện Ifo cho thấy, trong tháng 1, có tới 36,9% tổng số doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp được khảo sát cho biết rằng họ đang thiếu các đơn đặt hàng mới.

Vào thời điểm tháng 1/2023, tỷ lệ này chỉ là 20,9%. Trong lĩnh vực dịch vụ cũng có tới gần 1/3 tổng số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hoạt động kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn.

Theo chuyên gia Klaus Wohlrabe của Viện Ifo, tình trạng thiếu đơn đặt hàng đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong năm qua. Hầu như không có ngành kinh tế nào thoát khỏi tình trạng này. Ngoài ra, số lượng đơn hàng tồn đọng đang dần được giải quyết hết.

Tình trạng thiếu đơn hàng mới thể hiện rõ nhất trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng. Trong ngành sản xuất giấy, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới là 53,9%; ngành sản xuất và gia công kim loại là 53,3%. Trong ngành hóa chất, tỷ lệ này là 40,6%. Ngành dịch vụ ăn uống cũng có tới 38,6% doanh nghiệp phàn nàn về việc thiếu khách. Trong khi ngành thực phẩm ít bị ảnh hưởng hơn, tỷ lệ thiếu đơn hàng mới là 14,9%.

 

Về xuất nhập khẩu, năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế Đức cũng suy giảm so với năm trước. Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), trong tháng 12/2023, giá trị xuất khẩu giảm 4,6% và nhập khẩu giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, giá trị xuất khẩu giảm 1,4% và nhập khẩu giảm 9,7% so với năm 2022. Điều này góp phần khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu suy giảm 0,3% trong năm 2023.

Theo nhà kinh tế trưởng Alexander Krüger của ngân hàng Hauck Aufhäuser Lamp, nền kinh tế toàn cầu quá yếu đã không thể tạo động lực cho nền kinh tế Đức. Năm 2023 được coi là một năm khó khăn nữa đối với các nhà xuất khẩu của Đức. Ngoài ra, căng thẳng ở Biển Đỏ đang tạo ra những rủi ro thương mại mới.

Đầu năm mới 2024 cũng chưa xuất hiện tín hiệu tốt nào đối với các ngành xuất khẩu của Đức. Kỳ vọng về hoạt động kinh doanh đã giảm vào tháng 1. Chuyên gia Klaus Wohlrabe của Viện Ifo cho rằng các ngành xuất khẩu của Đức đang bắt đầu năm mới một cách tồi tệ hơn trước. Nền kinh tế toàn cầu yếu tiếp tục gây ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp.

Nhiều ngân hàng trung ương đã tăng mạnh lãi suất cơ bản để chống lại tình trạng lạm phát cao, khiến các khoản vay để đầu tư cho lĩnh vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Đức như máy móc hoặc phương tiện giao thông đắt hơn đáng kể. Điều này góp phần làm giảm nhu cầu về hàng hóa, sản phẩm của Đức, khiến số lượng đơn hàng mới ngày càng giảm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục