EC hạ dự báo lạm phát và tăng trưởng kinh tế Eurozone năm 2024

20:32' - 15/02/2024
BNEWS Ngày 15/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cảnh báo căng thẳng địa chính trị làm tăng bất ổn với nền kinh tế khu vực.

Dự báo của EC cho thấy tác động của chiến dịch tăng lãi suất mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện năm 2023, theo đó lạm phát giảm xuống 2,7% nhưng tăng trưởng chỉ đạt mức khiêm tốn là 0,8%.

 

Từ đầu năm 2024 đến nay, ECB đã giữ nguyên lãi suất nhưng ngày càng nhiều dự báo rằng ECB sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm nay khi lạm phát giảm và tăng trưởng kinh tế yếu.

Chi phí sinh hoạt tại châu Âu ngày càng cao sau khi giá năng lượng tăng vọt do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2022. Đến nay, giá năng lượng đã giảm nên EC điều chỉnh dự báo lạm phát, hạ từ mức 3,2% trong dự báo trước đó xuống còn 2,7%. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn mục tiêu 2% ECB đề ra. Thông báo của EC nêu rõ giá năng lượng giảm và động lực tăng trưởng kinh tế yếu là cơ sở để EC giảm dự báo lạm phát so với mức dự báo hồi tháng 8.

Cùng với đó, EC cũng hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone từ mức 1,2% đưa ra hồi tháng 8 xuống còn 0,8%. Tăng trưởng của Eurozone năm 2024 giảm mạnh chủ yếu do EC hạ sâu dự báo nền kinh tế đầu tàu là Đức.

Trong báo cáo mới, EC cho rằng kinh tế Đức chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 0,3% trong năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức 0,8% được dự báo trước đó. Dù vậy, EC kỳ vọng kinh tế Đức sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 1,2% trong năm 2025. Kinh tế Pháp dù đang vận hành tốt hơn so với Đức nhưng cũng bị EC hạ dự báo tăng trưởng từ mức 1,2% xuống còn 0,9% năm 2024 và từ mức 1,4% xuống còn 1,3% năm 2025.

Theo EC, dù đã thoát nguy cơ suy thoái trong nửa sau năm 2023 nhưng triển vọng kinh tế EU trong quý đầu 2024 vẫn yếu. Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovski cảnh báo tình hình thế giới còn nhiều biến động, với nhiều lo ngại rằng cuộc xung đột ở Trung Đông có thể lan rộng. EC đang theo dõi sát tình hình căng thẳng có thể tác động tiêu cực tới tăng trưởng và lạm phát tại EU.

Bên cạnh đó, EC vẫn lạc quan rằng các biện pháp trợ giá nhiên liệu sắp hết hiệu lực, gián đoạn thương mại trên Biển Đỏ sẽ không tác động tới xu hướng giảm lạm phát trong dài hạn.

Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni cho biết EU đã trải qua năm 2023 rất nhiều thách thức nhưng sẽ hồi phục trong năm 2024 dù tốc độ hồi phục vừa phải. Ông tin rằng tốc độ hồi phục sẽ ngày càng nhanh hơn nhờ giá cả tăng chậm lại, tăng lương thực tế và thị trường lao động rất mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục