ECB có cần tái cấp vốn sau đợt thua lỗ đầu tiên?

08:31' - 28/02/2024
BNEWS Trong khi ECB nói rằng ngân hàng có thể hoạt động hiệu quả dù bị lỗ, các tài khoản lại nói được nhiều điều hơn, từ danh tiếng cho đến sự độc lập với nguồn tài trợ từ chính phủ.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thua lỗ lớn trong năm 2023, phải dùng đến những đồng tiền dự phòng cuối cùng. Ngân hàng cho biết sẽ còn lỗ nhiều hơn, khi lãi suất cao làm tăng khoản thanh toán lãi suất cho các ngân hàng. Trong khi ECB nói rằng ngân hàng có thể hoạt động hiệu quả dù bị lỗ, các tài khoản lại nói được nhiều điều hơn, từ danh tiếng cho đến sự độc lập với nguồn tài trợ từ chính phủ.

Đợt thua lỗ đầu tiên trong gần hai thập kỷ

ECB ngày 22/2 cho biết, trong năm 2023, các đợt tăng lãi suất đã khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng thua lỗ lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ và có thể không sớm đạt lợi nhuận trở lại. ECB lỗ 1,3 tỷ euro (1,4 tỷ USD) trong năm 2023, sau khi hòa vốn trong năm 2022. Lần gần đây nhất ECB lỗ là vào năm 2004, với mức lỗ 1,6 tỷ euro.

Việc ECB bị lỗ sau gần hai thập kỷ đạt lợi nhuận lớn là do các biện pháp chính sách đã được thực hiện để ngăn chặn lạm phát. ECB bắt đầu tăng lãi suất từ mức thấp chưa từng có vào tháng 7/2022, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Ngân hàng này giữ nguyên lãi suất kể từ tháng 10/2023, duy trì lãi suất tiền gửi ở mức kỷ lục 4%, khi lạm phát hạ nhiệt và nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) mất ổn định.

Việc tăng lãi suất đã làm tăng chi phí mà ECB phải trả cho các ngân hàng trung ương quốc gia của các nước thành viên Eurozone.

Ảnh hưởng ra sao đến danh tiếng của ECB?

 

ECB đã in hàng nghìn tỷ euro trong gần một thập kỷ qua, dù có những cảnh báo của các nhà kinh tế. Việc ECB lỗ có thể làm gia tăng những ý kiến chỉ trích, nhất là khi các ngân hàng trung ương yêu cầu các chính phủ tăng vốn, điều mà một số người cho là sự cứu trợ.

Khoản lỗ, vốn đã làm giảm nguồn thu của nhà nước và có thể làm tăng chi phí, có thể khiến các chính phủ hoài nghi về cách thức hoạt động của ECB, một nguy cơ tiềm ẩn đối với tính chính thống và cuối cùng là sự độc lập của ngân hàng này.

Trong khi các cơ quan chính thức, từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho rằng việc ECB lỗ không cho thấy sai lầm về chính sách, công chúng có thể không dễ dàng hiểu được vấn đề, đặc biệt là do các ngân hàng trung ương hoạt động theo cách khác với bất kỳ doanh nghiệp nào khác.

Việc liên tục lỗ cũng có thể làm giảm độ tin cậy đối với ECB, do các nhà đầu tư có thể cho rằng ngân hàng này sẽ in tiền trong thời gian dài hơn.

Tác động thế nào đến ngân sách của chính phủ?

Các chính phủ ở Eurozone nhận được cổ tức từ các ngân hàng trung ương trong nhiều thập kỷ, do đó việc ECB lỗ có nghĩa nguồn thu ngân sách này cũng mất. Nếu các khoản dự phòng hết, thậm chí các cổ đông sẽ không thể tiếp cận các khoản lợi nhuận trong tương lai, do ECB trước tiên phải bù vào các khoản lỗ, sau đó dự phòng trở lại, trước khi có thể chi trả cổ tức.

ECB có cần tái cấp vốn?

Các ngân hàng trung ương không hoạt động như các ngân hàng thương mại và thậm chí có thể hoạt động với vốn chủ sở hữu âm. Ngân hàng Dự trữ Australia và Ngân hàng Quốc gia CH Czech cùng với các ngân hàng trung ương khác âm vốn, giống với Ngân hàng Bundesbank của Đức trong những năm 1970.

Tuy nhiên, một số ngân hàng, như Ngân hàng trung ương Hà Lan, cảnh báo tình trạng âm vốn không thể duy trì trong thời gian dài và các chính phủ có thể phải tái cấp vốn.

Các ngân hàng trung ương Hà Lan, Bỉ và Đức đều đã cảnh báo lỗ có thể gia tăng.

Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển, quốc gia không thuộc Eurozone, đã cho biết ngân hàng này phải đề nghị Quốc hội về việc tái cấp vốn do vốn giảm xuống dưới ngưỡng cần thiết.

Tác động đến cơ chế hoạt động của ECB thế nào?

ECB hiện đang đánh giá cơ chế hoạt động, trong đó có cách thức cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng trong trạng thái bình thường mới của ngân hàng trung ương.

Trong thập kỷ qua, ECB cung cấp lượng vốn lớn và vẫn có 3.500 tỷ euro (3.800 tỷ USD) thanh khoản còn dư trong hệ thống tài chính, nhiều năm sau khi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng được hủy bỏ.

Một vấn đề đang được xem xét là ECB trả bao nhiêu cho số thanh khoản dư của các ngân hàng được gửi qua đêm tại ECB. Một số nhà hoạch định chính sách cho rằng ECB cần trả lãi suất cho số tiền gửi nhỏ hơn ở mức 4%, từ đó giảm khoản chi phí này.

Tuy nhiên, chưa có nhiều điều chỉnh về chính sách tiền tệ cho một động thái như vậy và nhiệm vụ duy nhất của ECB là ổn định giá cả, do đó một động thái củng cố tài chính của ngân hàng này có thể là phiền toái về pháp lý. 

Tình trạng lỗ kéo dài có thể là khó chấp nhận, khi đặt ra vấn đề về tính bền vững của cơ chế hoạt động của ECB.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục