Đức: Ngành xây dựng nhà ở rơi vào khủng hoảng

07:00' - 27/02/2024
BNEWS Lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong những tháng gần đây.
Dữ liệu kinh tế của nước này đang cho thấy một tình hình u ám khiến các nhà lãnh đạo ngành quan ngại.

*Những số liệu u ám

Ông Dominik von Achten, Chủ tịch công ty vật liệu xây dựng Heidelberg Materials của Đức, trong chương trình “Squawk Box Europe” của CNBC, đã nói rằng: “Tôi có thể nói rằng lĩnh vực xây dựng nhà ở tại Đức đang rơi vào một cuộc khủng hoảng niềm tin”. Ông nói thêm: “Có quá nhiều thứ đã đi sai hướng”, đồng thời cho biết doanh số của Heidelberg Materials đã giảm đáng kể ở thị trường Đức.

 
Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo (Đức), vào tháng 1/2024, cả tâm lý và kỳ vọng đối với lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức đều giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại. Chỉ số về môi trường kinh doanh giảm xuống -59 điểm, trong khi kỳ vọng giảm xuống -68,9 điểm.

Ông Klaus Wohlrabe, người đứng đầu cuộc khảo sát tại Ifo, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: “Triển vọng trong những tháng tới thật ảm đạm”. Trong khi đó, cuộc khảo sát chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực xây dựng của Đức vào tháng 1/2024 của Ngân hàng Thương mại Hamburg cũng giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay là 36,3, sau khi chỉ số PMI của tháng 12 cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Báo cáo cho biết: “Trong số các hạng mục xây dựng được khảo sát giám sát, hoạt động nhà ở vẫn hoạt động kém nhất, thể hiện tốc độ suy giảm nhanh nhất được ghi nhận”. Vấn đề này cũng đang đè nặng lên nền kinh tế tổng thể của Đức.

Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck hồi tuần trước cho biết chính phủ nước này đang cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội năm 2024 xuống 0,2%, so với ước tính trước đó là 1,3%. Ông Habeck chỉ ra rằng lãi suất cao hơn là một thách thức chính đối với nền kinh tế, đồng thời giải thích rằng những điều đó đã dẫn đến sự suy giảm đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng.

Nền kinh tế Đức chông chênh giữa tình trạng trì trệ và suy thoái trong những quý gần đây mà ông Habeck mô tả là “một cơn bão hoàn hảo”. Nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và tình trạng lạm phát "thâm niên" đã cản trở sự phục hồi trở lại sau một thời gian kinh tế suy thoái.

Bất ổn địa chính trị và nhu cầu toàn cầu thấp hơn từ các thị trường như Trung Quốc là một trong những trở ngại cho sự phục hồi của kinh tế Đức. Ngành công nghiệp lớn của Đức bị thiệt hại đặc biệt do mất nguồn nhập khẩu khí đốt giá rẻ từ Nga. Trong khi đó, một loạt đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm mục đích kiềm chế lạm phát đã cản trở hoạt động đầu tư. Lạm phát cao và sức mua giảm dẫn đến nhu cầu trong nước thấp hơn cũng là một trở ngại.

Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) cho rằng GDP của Đức sẽ lại giảm nhẹ trong quý đầu tiên của năm 2024, khi nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương cho rằng không có khả năng xảy ra "sự suy giảm trên diện rộng và kéo dài".

*Ánh sáng ở cuối đường hầm?

Dữ liệu của Ifo cho thấy số lượng công ty tại Đức báo cáo việc hủy đơn hàng và thiếu đơn hàng đã giảm nhẹ trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023. Nhưng ngay cả như vậy, 52,5% công ty trong lĩnh vực xây dựng nhà ở của Đức cho biết họ không có đủ đơn đặt hàng, điều đó khiến ông Wohlrabe cho rằng càng đè nặng lên lĩnh vực đang gặp khó khăn này.

Theo chuyên gia Klaus Wohlrabe của Viện Ifo, tình trạng thiếu đơn đặt hàng đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể trong năm qua. Hầu như không có ngành kinh tế nào thoát khỏi tình trạng này. Ngoài ra, số lượng đơn hàng tồn đọng đang dần được giải quyết hết.

Tình trạng thiếu đơn hàng mới thể hiện rõ nhất trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng. Trong ngành sản xuất giấy, tỷ lệ doanh nghiệp thiếu đơn hàng mới là 53,9%; ngành sản xuất và gia công kim loại là 53,3%. Trong ngành hóa chất, tỷ lệ này là 40,6%. Ngành dịch vụ ăn uống cũng có tới 38,6% doanh nghiệp phàn nàn về việc thiếu khách. Trong khi ngành thực phẩm ít bị ảnh hưởng hơn, tỷ lệ thiếu đơn hàng mới là 14,9%. 

Về xuất nhập khẩu, năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế Đức cũng suy giảm so với năm trước. Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), trong tháng 12/2023, giá trị xuất khẩu giảm 4,6% và nhập khẩu giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung năm 2023, giá trị xuất khẩu giảm 1,4% và nhập khẩu giảm 9,7% so với năm 2022. Điều này góp phần khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu suy giảm 0,3% trong năm 2023.

Theo nhà kinh tế trưởng Alexander Krüger của ngân hàng Hauck Aufhäuser Lamp, nền kinh tế toàn cầu quá yếu đã không thể tạo động lực cho nền kinh tế Đức. Ngoài ra, căng thẳng ở Biển Đỏ đang tạo ra những rủi ro thương mại mới.

Ông nói: “Còn quá sớm để nói về sự đảo ngược xu hướng trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, vì các điều kiện khó khăn hầu như không thay đổi chút nào. Lãi suất cao và chi phí xây dựng tăng không làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn đối với các nhà xây dựng”.

Tuy nhiên, ông von Achten của công ty vật liệu xây dựng Heidelberg Materials gợi ý rằng có thể có ít nhất một tia lạc quan sắp diễn ra, đồng thời dự đoán có khả năng thị trường sẽ đón nhận thông tin tốt về mặt lãi suất. Ông nói: “Tôi lạc quan rằng lạm phát hiện đã thực sự giảm ở Đức, có thể ECB thực sự đã giảm lãi suất sớm hơn chúng ta nghĩ, hãy chờ xem, và nếu điều đó xảy ra thì rõ ràng niềm tin cũng sẽ cải thiện".

Ngay cả khi việc cắt giảm lãi suất là một quá trình chậm chạp, ông von Achten cho rằng khi “mọi người nhìn thấy sự thay đổi thì niềm tin sẽ quay trở lại".

Phát biểu trước Quốc hội Đức về triển vọng kinh tế vào ngày 22/2, Bộ trưởng Habeck cho biết Chính phủ dự kiến lạm phát của Đức sẽ tiếp tục giảm và quay trở lại mức mục tiêu 2% vào năm 2025.

ECB, tại cuộc họp gần đây nhất vào tháng 1/2024, cho biết rằng việc thảo luận về cắt giảm lãi suất là “quá sớm”, ngay cả khi tiến trình giải quyết vần đề lạm phát đang đạt được. Theo dữ liệu của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), mặc dù mốc thời gian chính xác cho việc cắt giảm lãi suất vẫn chưa rõ ràng, nhưng thị trường đang dự đoán rộng rãi về đợt giảm lãi suất đầu tiên của ECB sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục