ECB vẫn kiên định với chính sách hiện hành

08:30' - 30/10/2021
BNEWS Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên các chương trình kích thích kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19, ngay cả khi giá tiêu dùng tại Liên minh châu Âu (EU) tăng vọt.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định giữ nguyên các chương trình kích thích kinh tế liên quan đến đại dịch COVID-19, ngay cả khi giá tiêu dùng tại Liên minh châu Âu (EU) tăng vọt và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang dần rút lại các gói hỗ trợ khi một số nền kinh tế đã phục hồi tích cực sau đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh lạm phát tăng cao chỉ là tạm thời và nền kinh tế châu Âu vẫn cần hỗ trợ từ chương trình kích thích trị giá 1.850 tỷ euro (2.140 tỷ USD) của ECB.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng, chương trình sẽ kết thúc vào thời gian dự kiến mới nhất được thông báo trước đó là tháng 3/2022, mở đường cho các quyết sách quan trọng có thể được đưa ra tại cuộc họp vào tháng 12 tới.

Chương trình mua trái phiếu của ECB đã giúp giảm chi phí vay dài hạn cho các doanh nghiệp để họ vượt qua thời kỳ khó khăn do đại dịch COVID-19 và chuyển bớt gánh nặng nợ cho các chính phủ châu Âu, giữa bối cảnh các nước phải chi tiêu nhiều hơn để khắc phục những hậu quả của đại dịch.

Chương trình này được dự kiến sẽ có hiệu lực ít nhất đến tháng 3/2022 hoặc cho đến khi ECB cho rằng giai đoạn khủng hoảng của đại dịch đã kết thúc, mặc dù lạm phát gia tăng đã làm dấy lên câu hỏi về việc có nên chấm dứt chương trình này sớm hay không.

Bà Lagarde cho biết, phần lớn đà tăng giá liên quan đến việc so sánh với mức giá thấp trong thời kỳ đại dịch, giá nhiên liệu tăng cao gần đây và nhu cầu năng lượng mạnh hơn khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đứng ở mức 3,4% trong tháng 9/2021, mức cao nhất kể từ năm 2008./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục