EFPIA cảnh báo khả năng chuyển chuỗi sản xuất dược phẩm sang Mỹ

09:58' - 09/04/2025
BNEWS Liên đoàn các ngành công nghiệp và hiệp hội dược phẩm châu Âu (EFPIA) cảnh báo hoạt động nghiên cứu và sản xuất dược phẩm sẽ ngày càng có khả năng hướng đến Mỹ.
Tại buổi Đối thoại chiến lược về ngành dược phẩm Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/4, Liên đoàn các ngành công nghiệp và hiệp hội dược phẩm châu Âu (EFPIA) cảnh báo nếu không có sự thay đổi chính sách "nhanh chóng và triệt để", hoạt động nghiên cứu và sản xuất dược phẩm sẽ ngày càng có khả năng hướng đến Mỹ.

Tối hậu thư này được gửi trực tiếp đến Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người đã có mặt tham dự với những nhân vật chủ chốt trong chuỗi cung ứng về ngành dược phẩm châu Âu. Theo các đại diện tham gia đối thoại, thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt là giọt nước tràn ly, hiện có rất ít động lực để đầu tư vào EU và ngành này đang cân nhắc để chuyển đến Mỹ.

 
Thuế quan đối ứng mà Mỹ sẽ áp dụng bắt đầu từ ngày 9/4 sẽ làm thay đổi cán cân, vì Mỹ đã hấp dẫn hơn nhiều so với châu Âu "về mọi thông số đầu tư, từ khả năng tiếp cận vốn đến sở hữu trí tuệ, tốc độ phê duyệt và phần thưởng cho sự đổi mới". Theo báo cáo dựa trên một cuộc khảo sát do EFPIA thu thập, được trình bày cho Chủ tịch EC von der Leyen, 18 công ty vừa và lớn của châu Âu xác định "lên đến 85% vốn đầu tư, khoảng 50,6 tỷ euro (khoảng 55,8 tỷ USD) và lên đến 50% chi tiêu cho hoạt động R&D, khoảng 52,6 tỷ euro, có khả năng gặp rủi ro".

EFPIA đã liệt kê các điều kiện của mình đối với EC là phải nỗ lực đạt được một thị trường EU cạnh tranh "thu hút, coi trọng và khen thưởng sự đổi mới phù hợp với các nền kinh tế hàng đầu khác" trong chăm sóc bệnh nhân; "tăng cường, thay vì làm suy yếu", các điều khoản về sở hữu trí tuệ của châu Âu; áp dụng "khuôn khổ pháp lý hàng đầu thế giới" thúc đẩy sự đổi mới; và đảm bảo “sự nhất quán về chính sách đối với luật môi trường và hóa chất để đảm bảo chuỗi cung ứng và sản xuất thuốc có khả năng phục hồi” tại Châu Âu.

EuropaBio, tập đoàn công nghiệp lớn nhất châu Âu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đã thảo luận về phản ứng của EU đối với thuế quan của Mỹ. Yêu cầu tương tự cũng đến từ nhiều lĩnh vực khác với thông điệp phải cứu các sản phẩm dược phẩm sinh học và đầu vào sản xuất khỏi cuộc chiến thương mại với Mỹ, vì thuế quan “sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đến lĩnh vực đổi mới này, cũng như các bệnh nhân đang điều trị thông qua các chuỗi cung ứng được kết nối toàn cầu”.

Ngành công nghiệp dược phẩm đang khiến châu Âu phải đau đầu, và thuế quan là chất xúc tác để tái khảng định rằng yêu cầu về sự đổi mới trong lĩnh vực dược phẩm là rất quan trọng, đối với bệnh nhân, hệ thống y tế, và đối với cả nền kinh tế và an ninh châu Âu. Nếu không kịp điều chỉnh để thay đổi, châu Âu có nguy cơ sẽ trở thành người tiêu dùng đơn thuần của những đổi mới từ các khu vực khác.

Trong ngày 9/4, các quốc gia thành viên sẽ được yêu cầu phải bật đèn xanh cho vòng đối phó đầu tiên của châu Âu, đối với thép và nhôm của Mỹ, để đáp trả các mức thuế đã áp dụng đối với các ngành công nghiệp châu Âu. Người phát ngôn điều hành của EU phụ trách thương mại Olof Gill dự đoán rằng EC có thể đề xuất một phản ứng tiếp theo đối với thuế quan đối ứng sớm nhất là vào tuần tới. Danh sách các sản phẩm sẽ bị đánh thuế đang được hoàn thiện, giữa việc bổ sung và xóa bỏ, tùy thuộc vào tâm trạng của các hiệp hội ngành và các quốc gia thành viên EU.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục